Dịch Covid-19 sáng ngày 13/10: WHO phản đối quan điểm miễn dịch cộng đồng

(PLVN) - Trong 1 ngày qua, thế giới ghi nhận 265.590 trường hợp mắc Covid-19 và 3.630 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 38 triệu người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà Trắng tuyên bố ông Trump âm tính Covid-19 "nhiều ngày liền"

Đội ngũ y tế Nhà Trắng ngày 12/10 khẳng định Tổng thống Donald Trump không còn nguy cơ lây nhiễm cho người, ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính "nhiều ngày liền". Đối thủ của Trump, ông Joe Biden, cũng đã công bố âm tính với virus corona.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Bác sĩ trưởng Nhà Trắng Sean Conley cho biết tổng thống đã xét nghiệm âm tính trong "nhiều ngày liên tiếp" bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên BinaxNOW của Abbott Laboratories. 

Theo ông Conley, các xét nghiệm âm tính và các dữ liệu lâm sàng cùng dữ liệu từ phòng thí nghiệm khác "cho thấy không có sự nhân lên của virus có thể phát hiện được".

Dựa trên các quy định và hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đội ngũ y tế Nhà Trắng khẳng định ông Trump "không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác".

Indonesia nới lỏng các hạn chế

Thủ đô Jakarta của Indonesia bắt đầu từ hôm 12/10 đã nới lỏng dần các hạn chế xã hội quy mô lớn trong 2 tuần.

Chính quyền địa phương cho biết, các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu có thể hoạt động với công suất phù hợp với nhu cầu. Còn các lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu sẽ được phép hoạt động ở mức một nửa công suất.

Các phòng tập thể dục có thể mở cửa trở lại với giới hạn 1/4 công suất. Các hoạt động trong nhà như hội thảo, chiếu phim và tiệc cưới được phép hoạt động với 1/4 sức chứa tối đa.

New Zealand mở cửa đón sinh viên quốc tế từ tháng 11

Sự trở lại của các sinh viên quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phục hồi hậu Covid-19 của New Zealand. Đồng thời, quyết định nới lỏng nhập cảnh cũng là cơ hội để các sinh viên quốc tế hoàn thành việc học tập của mình.

Tuy nhiên, các sinh viên sẽ phải trải qua 2 tuần cách ly bắt buộc tại một cơ sở do chính phủ quản lý.

Ông Steve Maharey, Chủ tịch Cơ quan Giáo dục New Zealand, cho biết chương trình miễn trừ đặc biệt trên không giới hạn đối với bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, miễn là tất cả sinh viên đã được cấp thị thực 2020 để theo học chương trình đào tạo tiến sĩ hoặc thạc sĩ ở New Zealand. Ông Maharey cũng cho biết thêm, các sinh viên sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí trong thời gian cách ly bắt buộc.

Các trường đại học ở New Zealand đã hoan nghênh quyết định của chính phủ, song cho rằng 250 là một con số còn rất nhỏ so với 70.000 sinh viên nước ngoài theo học ở nước này.

WHO phản đối quan điểm miễn dịch cộng đồng

Tổ chức Y tế Thế giới phản đối những đề xuất của một số người khi để cho Covid-19 lây lan với hy vọng có thể có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng.

Trả lời họp báo, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh, huống hồ là một đại dịch. Điều này có vấn đề về khoa học và đạo đức. Việc cho phép một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn lây lan tự do rõ ràng là trái đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn".

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN. 

Cũng trong buổi họp báo này, WHO cho biết hơn 180 quốc gia đã cam kết tham gia vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX). Một nỗ lực của WHO nhằm tài trợ để các loại vaccine phòng Covid-19 được phân phối một cách công bằng tới các nước giàu và nghèo.

Đức triển khai 15.000 binh sỹ hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19

Bộ Quốc phòng Đức ngày 12/10 thông báo sẽ triển khai tối đa 15.000 binh sỹ để tăng cường hỗ trợ các lực lượng dân sự vốn đang quá dàn trải cho cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Đức là một trong số quốc gia châu Âu đã kiểm soát khá tốt đại dịch so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh, với trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt,...

Chính phủ Đức đã cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh.

Cho tới lúc này, Quân đội Đức đã triển khai khoảng 1.300 binh sỹ để hỗ trợ chính quyền các địa phương và tổng số binh sỹ được huy động có thể lên tới 15.000 người. Bộ Quốc phòng cho đến nay cũ.