Dịch Covid-19 sáng ngày 4/12: Nga lại có kỉ lục mới về ca nhiễm trong ngày, LHQ chỉ trích các nước coi thường Covid-19

(PLVN) - Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 1 ngày qua, thế giới ghi nhận trên 609.000 ca bệnh Covid-19 và trên 11.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 65 triệu ca, trong đó trên 1,5 triệu ca tử vong.
Kiểm tra y tế phòng lây nhiễm Covid-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Kiểm tra y tế phòng lây nhiễm Covid-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Bỉ lên kế hoạch tiêm chủng đại trà từ 5/1/2021

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19 từ 5/1/2021. Ông cho biết sau khi vaccine chính thức được cấp phép thì vẫn phải đợi từ chính phủ liên bang đến chính quyền địa phương phê duyệt các nội dung cuối cùng của chương trình tiêm chủng, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn. 

Thủ tướng Croo cho biết khi có vaccine, nước Bỉ sẽ sẵn sàng và phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt và cho nhiều người Bỉ nhất có thể.

LHQ chỉ trích các nước coi thường Covid-19

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phê phán các nước không tuân thủ chỉ dẫn của WHO trong bối cảnh thế giới ghi nhận hơn 65,4 triệu ca nhiễm Covid-19.

"Ngay từ đầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp thông tin thực tế và chỉ dẫn khoa học đáng lẽ nên được sử dụng làm nền tảng cho phản ứng phối hợp toàn cầu. Không may là nhiều chỉ dẫn không được thực hiện. Trong một số trường hợp, một số nước đã bác bỏ sự thật và phớt lờ chỉ dẫn. Khi các nước tự đi theo con đường riêng, virus sẽ lây lan khắp nơi", Tổng thư ký Antonio Guterres nói trong phiên họp đặc biệt về Covid-19 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 3/12, nhưng không nêu tên quốc gia cụ thể.

Nga ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất

Ngày 3/12, Nga ghi nhận có thêm 28.145 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới - cao nhất từ trước tới nay, trong khi số ca tử vong trong 24 giờ qua là 554 ca.

Theo báo cáo của giới chức y tế Nga, riêng thủ đô Moskva ghi nhận 7.750 ca nhiễm mới. Hiện Nga ghi nhận hơn 2,37 triệu ca nhiễm và 41.607 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. 

Hy Lạp tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 14/12

Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa trên toàn quốc thêm 1 tuần, cho đến ngày 14/12 với lý do tỉ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Lệnh phong tỏa thứ hai này ban đầu sẽ kết thúc vào ngày 30/11, nhưng Chính phủ Hy Lạp đã kéo dài đến ngày 7/12. 

Chỉ có các cửa hàng bán các mặt hàng phục vụ lễ Giáng Sinh sẽ được phép hoạt động, như vậy các cửa hàng này có thể mở cửa từ ngày 7/12. 

Theo ông Petsas, nước này sẽ tiếp nhận đợt vaccine phòng Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 1/2021 để có thể thực hiện tiêm chủng cho hơn 2,1 triệu dân/tháng. Việc tiêm phòng sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. 

Cho đến nay, Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 111.537 ca mắc Covid-19 và 2.706 ca tử vong, trong đó miền Bắc Hy Lạp là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất và các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải.

Số ca mắc bệnh tại Iran vượt quá 1 triệu người

Trong ngày 3/12, Bộ Y tế Iran cho biết số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt quá 1 triệu ca, trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở khu vực Trung Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Sima Sadat Lari, trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 13.922 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 1.003.494 kể từ khi nước này phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vào tháng 2. Iran cũng thông báo thêm 358 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 49.348 người.

Đức chủ quan trong chống dịch

Nhận định trên được giáo sư Lothar Wieler thuộc Viện Nghiên cứu dịch tễ Koch đưa ra. Theo ông, thành công trong việc đối phó 'làn sóng dịch' Covid-19 thứ nhất hồi tháng 3-4/2020 đã khiến cho nhiều người dân Đức nghi ngờ về mối nguy hiểm của dịch bệnh, hay thậm chí còn đặt dấu hỏi về sự tồn tại của Covid-19.

"Các nước khác như Pháp và Bỉ đã có thể kiềm chế số ca nhiễm, và đó là nhờ vào hành vi của người dân, cũng như cách họ tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tôi chắc chắn, khi số ca nhiễm tăng cao, khi mọi người nhìn thấy những người thân quen bị nhiễm bệnh và từ đó tự nhận ra đây là một căn bệnh nguy hiểm mà bản thân họ không muốn mắc phải, thì ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch sẽ được cải thiện", Reuters dẫn lời ông Wieler nói.

Reuters dẫn số liệu từ Viện Koch cho biết, Đức đến nay đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm và 17.600 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này.