'Lỗ hổng' an ninh ở Afghanistan

(PLO) - Sau 17 giờ vây ráp các đối tượng tấn công, bắt cóc con tin tại khách sạn Intercontinental ở thủ đô Kabul của Afghanistan, chiến dịch giải cứu đã kết thúc vào ngày 21/1/2018. 
Vụ tấn công khủng bố ở khách sạn Intercontinental (Afghanistan) tiếp tục đặt ra thách thức về hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động
Vụ tấn công khủng bố ở khách sạn Intercontinental (Afghanistan) tiếp tục đặt ra thách thức về hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động

Mặc dù vậy, vụ tấn công này một lần nữa cho thấy cuộc chiến của lực lượng an ninh Afghanistan cùng sự hỗ trợ của Mỹ và NATO nhằm chống lại lực lượng phiến quân Taliban đến nay vẫn là một bài toán nan giải và chưa có hồi kết.

Nghẹt thở giải cứu con tin

Tối ngày 20/1, các tay súng được cho là thuộc lực lượng phiến quân Haqqani có liên quan tới Taliban đã thực hiện vụ tấn công vào khách sạn Intercontinental tại thủ đô Kabul, Afghanistan, bắt giữ 160 con tin, trong đó có 40 người nước ngoài. Đã có ít nhất 18 người đã thiệt mạng (trong đó có 14 người nước ngoài và 4 người Afghanistan) và 6 đối tượng tấn công khủng bố đã bị tiêu diệt.

Các nạn nhân người nước ngoài được xác định gồm 1 người Hy Lạp, 1 người Kyrgyzstan và 9 người Ukraine, trong khi 3 người nước ngoài còn lại chưa được xác định. Tất cả 6 đối tượng tấn công đều đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Bên cạnh số người thiệt mạng, 10 người Afghanistan bị thương. Các nguồn tin sở tại cho biết trong số các nạn nhân người nước ngoài có nhiều người làm việc cho hãng hàng không Afghanistan Kam Air, vốn thuê khách sạn trên làm nơi nghỉ ngơi cho các phi công và tiếp viên.

Phía Taliban đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Vụ khủng bố tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình hình an ninh tại Afghanistan, khi bất chấp việc hàng ngàn phiến quân Taliban đã bị quân đội Afghanistan và các đồng minh Mỹ và NATO tiêu diệt trong 16 năm qua, nhóm nổi dậy này hiện vẫn hồi sinh và chiếm giữ nhiều vùng đất tại quốc gia Nam Á này.

Mối đe dọa từ Taliban

Cái tên Taliban bắt đầu được cả thế giới biết đến từ năm 1996 như một thế lực thống trị ở Afghanistan. Taliban tập hợp từ đội quân đông đảo những sinh viên Hồi giáo Afghanistan tị nạn trên đất Pakistan, được đào tạo tại các trường tôn giáo, có tư tưởng cực đoan. Taliban lớn mạnh nhanh chóng và lúc đầu đã giành được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của người dân Afghanistan. Tuy nhiên, ngay sau đó lực lượng này đã bộc lộ là một tổ chức Hồi giáo cực đoan với những tư tưởng hà khắc khiến cả thế giới lên án. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, ảo tưởng của nhân dân Afghanistan đã sụp đổ khi biết rõ về Taliban. Tính chất của Taliban không chỉ thể hiện qua cách đối xử của họ với tù binh mà còn với cả những người dân trong vùng họ kiểm soát. Theo luật Sariah hà khắc của Taliban, phụ nữ bị cấm ra đường nếu không đeo mạng, không được quyền đi học, đi làm. Ðàn ông không được cạo râu và hút thuốc. Các hình thức thể thao và giải trí (âm nhạc, phim ảnh, truyền hình...) đều bị cấm, thay vào đó là những cảnh hành hình thường xuyên bằng cách treo cổ hay ném đá công khai man rợ. 

Còn trên chính trường quốc tế, chính quyền Taliban hầu như không thu hút được cảm tình của ai. Dưới thời Taliban, Afghanistan đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Việc Taliban công khai chứa chấp trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden đã khiến Taliban trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ. 

Tháng 10/2001, chỉ vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” tại Afghanistan. Chỉ khoảng hai tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ. Sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban đã tìm được nơi trú ẩn an toàn là Waziristan thuộc Pakistan, giáp với biên giới Afghanistan. Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch “Taliban hóa”, nhằm chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, dựng lên các trại huấn luyện quân sự... 

Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm hiện diện quân đội tại Afghanistan, chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Obama đã ký với chính quyền Afghanistan Thỏa thuận An ninh song phương (BSA). Theo đó, Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại quốc gia Nam Á này vào tháng 12/2014 và chỉ duy trì một lực lượng gồm khoảng 13.000 binh sĩ để hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan. 

Tuy nhiên, lợi dụng “khoảng trống an ninh” xuất hiện sau khi Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hết quân chiến đấu về nước, lực lượng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công khủng bố với tính chất và mức độ ngày càng trắng trợn, nguy hiểm hơn, gây thương vong lớn cho dân thường và các lực lượng Afghanistan cũng như các lực lượng liên quân quốc tế do NATO chỉ huy. 

Theo thống kê của Liên Hợp quốc, kể từ tháng 1/2009 đến nay, đã có hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 50.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. Riêng năm 2017, Afghanistan đã phải trải qua những ngày bạo lực tràn lan. Taliban cùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tục gia tăng các vụ tiến công đẫm máu. Có thể kể đến như vụ tấn công của Taliban nhằm vào một căn cứ quân sự ở ngoại ô thành phố Mazar-i-Sharif, miền Bắc Afghanistan hồi tháng 4/2017, làm hơn 140 binh sỹ nước này thiệt mạng; vụ giao tranh giữa quân đội Afghanistan và Taliban tại căn cứ quân sự ở Kandahar làm 26 binh sỹ Afghanistan thiệt mạng và 80 tay súng Taliban bị tiêu diệt…

Mặc dù thời gian qua, được sự hỗ trợ từ Mỹ và NATO, Afghanistan đã tăng cường các chiến dịch an ninh trên cả nước, song những con số thống kê trên phần nào cho thấy Afghanistan vẫn đang phải đối mặt với những thách thức an ninh không hề nhỏ. Trong bối cảnh đó, vào tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung, trong đó chủ yếu tập trung vào nỗ lực chống khủng bố, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Afghanistan và giúp người dân nước này “làm chủ tương lai của mình”.

Theo đó, mục tiêu mà Mỹ theo đuổi là ngăn chặn việc các tay súng Hồi giáo biến Afghanistan thành “thiên đường an toàn”, từ đó làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Song song với kế hoạch tìm ra chiến lược mới ở Afghanistan, chính quyền Mỹ cũng đưa ra lời cam kết sẽ duy trì sự bảo trợ cho Afghanistan dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, đồng thời sẽ hỗ trợ quốc gia này tiến tới hòa bình, thịnh vượng và an ninh.

Nhưng vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở khách sạn Intercontinental ở thủ đô Kabul của Afghanistan tiếp tục đặt ra thách thức đặt ra cho chính quyền Mỹ về hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động. Có người cho rằng, hiện Mỹ đang cân nhắc tăng quân số các lực lượng của nước này tại Afghanistan thêm 1.000 người vào mùa xuân này nhằm hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống lại tổ chức khủng bố Taliban. Tuy nhiên, thực tế Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vẫn chưa ký vào quyết định liên quan. Nếu quyết định tăng quân trên được thông qua thì tổng số binh sĩ Mỹ dự kiến sẽ lên tới 15.000 người trong mùa xuân này.