Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu vắc-xin

(PLVN) - FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ sắp đưa ra cảnh báo về việc các tin tặc và gián điệp Trung Quốc đang nỗ lực đánh cắp nghiên cứu của Mỹ trong phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị virus corona.
Chad Wolf, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, cùng với Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: Thời báo New York.
Chad Wolf, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, cùng với Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: Thời báo New York.

Tờ New York Times đưa tin, thông tin trên nằm trong nội dung của một dự thảo cảnh báo công cộng mà các quan chức cho rằng có khả năng sẽ được ban hành trong những ngày tới, theo đó Trung Quốc đang tìm kiếm bằng các phương tiện bất hợp pháp những thông tin tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng có giá trị liên quan đến vắc-xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm virus corona. 

Cụ thể, việc tìm kiếm này tập trung vào các cuộc tấn công mạng. Chính quyền Trump nói việc đánh cắp dữ liệu đang nhắm vào các phòng thí nghiệm học thuật và tư nhân.

Cảnh báo sắp tới cũng là lần lặp lại mới nhất của một loạt các nỗ lực của chính quyền Trump để đổ lỗi cho Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch và khai thác hậu quả của nó.

Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tuyên bố hồi đầu tháng rằng có bằng chứng rất lớn về việc virus đã đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, sau đó lại nói là đến từ vùng lân cận của phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết họ chưa đưa ra kết luận nào về vấn đề này, nhưng bằng chứng công khai chỉ ra mối liên hệ giữa nguồn gốc của vụ dịch tại một khu chợ ở Vũ Hán và hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu vừa rồi đã mô tả một chiến dịch Twitter của Trung Quốc để tuyên truyền sai lệch về virus. Nhưng sau đó Giám đốc điều hành của Twitter đã thông báo rằng một số tài khoản Twitter mà Bộ Ngoại giao trích dẫn thực sự là nhằm chỉ trích nhà nước Trung Quốc.

Tuần trước, Mỹ và Anh đã đưa ra một cảnh báo chung rằng các cơ quan chăm sóc sức khỏe, công ty dược phẩm, học viện, tổ chức nghiên cứu y tế và chính quyền địa phương là mục tiêu của các hoạt động tình báo trên không gian mạng, nhưng không nêu tên tuổi quốc gia nào thực hiện.

Cuộc săn lùng các điệp viên chuyên về sở hữu trí tuệ cũng đã tăng tốc. Trong nhiều tháng, các quan chức FBI đã đến thăm các trường đại học lớn và tổ chức nhiều cuộc họp ngắn trình bày về các lỗ hổng bảo mật của trường. Nhưng một số nhà lãnh đạo học thuật và các nhóm sinh viên đã cho rằng việc suy diễn các nghiên cứu bị đánh cắp là hoang tưởng.

Các chuyên gia bảo mật cho rằng, không chỉ người Trung Quốc tìm kiếm thông tin về virus, mà các tin tặc Iran cũng bị bắt gặp khi cố gắng vào bên trong Gilead Science, nhà sản xuất remdesivir - loại thuốc điều trị được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt 10 ngày trước để thử nghiệm lâm sàng. 

Bên cạnh đó, hoạt động tình báo thu thập thông tin trên mạng cũng trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn, với sự tham gia của nhiều quốc gia, nhất là khi các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên làm việc ở nhà.