Mỹ: Lùm xùm cáo buộc nghe lén và rò rỉ tài liệu tình báo

(PLO) - Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Rick Ledgett cho rằng, cáo buộc của Nhà Trắng về việc Anh đã giúp do thám Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 là “hết sức vô lý”. 
Cựu Tổng thống Obama đã lên tiếng tuyên bố cáo buộc nghe lén ông Trump  là sai sự thật
Cựu Tổng thống Obama đã lên tiếng tuyên bố cáo buộc nghe lén ông Trump là sai sự thật

Trả lời phỏng vấn ngày 18/3, ông Ledgett cho biết việc cáo buộc tình báo Anh ủng hộ một bên trong tiến trình chính trị Mỹ đi ngược lại “tôn chỉ hợp tác giữa các cơ quan cộng đồng tình báo” và London không có lý do gì để hành động như vậy. Ông khẳng định trách nhiệm của ngành tình báo Mỹ là hoạt động “phi chính trị” và “nói sự thật” với giới lãnh đạo nước này. 

Nghe trộm 

Ngày 14/3 vừa qua, nhà bình luận chính trị và cựu Thẩm phán bang New Jersey Andrew Napolitano của kênh truyền hình Fox News tiết lộ, thay vì chỉ thị cho các cơ quan Mỹ theo dõi ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu thu thập các bản sao từ Cơ quan Thông tin Chính phủ Anh (GCHQ - cơ quan tình báo có nhiệm vụ giám sát viễn thông nước ngoài tương tự NSA) ghi lại các cuộc hội thoại của ông Trump. Cáo buộc này sau đó được người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer và chính ông Trump nhắc lại. 

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang đối mặt với sức ép phải cung cấp bằng chứng liên quan đến cáo buộc chính quyền tiền nhiệm đã tiến hành do thám quy mô lớn đối với ông Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cựu Tổng thống Obama đã lên tiếng tuyên bố cáo buộc này là sai sự thật. Lãnh đạo Cục Điều tra liên bang  (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng khẳng định không có bất kỳ hành vi theo dõi nào nhằm vào Tổng thống Trump ở thời điểm ông mới đắc cử, cũng như khi tham gia tranh cử trước đó. 

Theo luật định, tổng thống không được phép chỉ đạo tiến hành theo dõi đối với bất kỳ cá nhân nào, thay vào đó cơ quan chính phủ thực hiện nhiệm vụ này nếu được sự đồng ý của tòa án. Việc ông Trump đưa ra lời cáo buộc trên đối với ông Obama được nhìn nhận là nước cờ chính trị trong bối cảnh khá nhạy cảm khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng đang điều tra cáo buộc về việc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ.

Giữ nguyên cáo buộc

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục giữ nguyên cáo buộc rằng mình bị người tiền nhiệm Barack Obama giám sát điện thoại sau khi nhiều nghị sĩ hàng đầu tại Quốc hội lưỡng viện phản đối. 

Phát biểu trước báo giới ngày 16/3, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã bảo vệ những cáo buộc Tổng thống Trump đưa ra, khẳng định quan điểm của ông chủ Nhà Trắng về vấn đề này không thay đổi. Ông Spicer trích dẫn các bài báo thảo luận các thông tin tình báo về các mối quan hệ có thể có giữa các cộng sự của Tổng thống Trump và Nga trong chiến dịch tranh cử. Quan chức này đặc biệt đề cập đến một báo cáo chưa được kiểm chứng của hãng Fox News, trong đó cáo buộc cựu Tổng thống Obama đã sử dụng GCHQ, cơ quan tình báo có nhiệm vụ giám sát viễn thông nước ngoài, để thu thập các cuộc đối thoại của ông Trump mà vẫn đảm bảo “không để lại dấu vết”. Khi được yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng, ông Spicer chỉ trích truyền thông đã tập trung quá nhiều vào những quan điểm chỉ trích những cáo buộc của ông Trump về việc theo dõi, đồng thời nhấn mạnh cần chờ đợi kết luận chính thức cuối cùng của các cuộc điều tra. 

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi 2 thượng nghị sĩ hàng đầu trong quốc hội cùng ngày lên tiếng bác bỏ những cáo buộc theo dõi điện thoại cá nhân của Tổng thống Trump. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr và Phó Chủ tịch ủy ban trên, nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner nêu rõ: “Dựa trên những thông tin có sẵn, chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy tòa tháp Trump là mục tiêu giám sát của bất kỳ đơn vị nào trong chính phủ trước và sau ngày bầu cử 2016”. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng nêu quan điểm tương tự khi cho biết các cuộc điều tra liên tục và mở rộng của các ủy ban tình báo cho đến nay vẫn chưa phát hiện hoat động theo dõi, giám sát nào của chính quyền tiền nhiệm đối với ông Trump. 

Hôm 13/3, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng Kellyanne Conway cũng khẳng định bà không có bằng chứng để chứng minh cáo buộc mà Tổng thống Mỹ Trump đưa ra trước đó rằng người tiền nhiệm Obama đã ra lệnh theo dõi điện thoại của tỷ phú này. Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định có thể ông Trump bị do thám dưới các hình thức khác nhau và có nhiều cách để theo dõi một người, thông qua điện thoại, tivi hay ngay cả lò vi sóng. 

Chính quyền Trump đang đối mặt với sức ép phải cung cấp bằng chứng liên quan đến cáo buộc chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã tiến hành do thám quy mô lớn đối với ông Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trước đó, hồi đầu tháng 3, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền tiền nhiệm đã tiến hành nghe lén ông tại Tháp Trump trong thời gian ông tranh cử mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Cựu Tổng thống Obama đã tuyên bố cáo buộc này là sai sự thật. Trong khi đó, lãnh đạo FBI và Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ cũng khẳng định không có bất kỳ hành vi theo dõi nào nhằm vào Tổng thống Trump ở thời điểm ông mới đắc cử, cũng như khi tham gia tranh cử hồi năm ngoái. 

Làm rõ vụ rò rỉ

Trong khi đó, các công tố viên liên bang tại Alexandria, bang Virginia của Mỹ đã mở rộng cuộc điều tra nhằm vào trang mạng WikiLeaks liên quan tới vụ rò rỉ các tài liệu của CIA. 

Hãng tin Reuters ngày 17/3 dẫn một nguồn thạo tin cho hay cuộc điều tra tập trung vào việc ai đã tiết lộ cho WikiLeaks các mô tả và thông tin kỹ thuật cũng như công cụ được CIA sử dụng để nghe lén các mục tiêu tình báo. Giới chức Mỹ đã thừa nhận vụ điều tra của các công tố viên tại Alexandria và một số tài liệu tòa án liên quan đã được công bố; tuy nhiên, đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì. 

Hiện các đặc vụ của FBI và CIA cũng đang tiến hành điều tra vụ việc, trong đó tập trung làm rõ cách thức những tài liệu mật lọt vào tay của WikiLeaks cũng như tác giả đứng sau vụ rò rỉ thông tin này. CIA cũng đang cố gắng xác định liệu WikiLeaks còn thu thập được những tài liệu khác chưa được công bố nữa hay không. Ngoài ra, một cuộc xem xét riêng rẽ cũng đã được triển khai nhằm đánh giá mức độ thiệt hại mà vụ rò rỉ dữ liệu này gây ra. 

Trước đó, ngày 7/3 vừa qua, WikiLeaks đã công bố khoảng 8.000 tài liệu, phơi bày các công cụ phần mềm tinh vi được CIA sử dụng để xâm nhập điện thoại thông minh, máy tính, thậm chí là TV có kết nối Internet. Số tài liệu này được CIA lưu hành trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016 và được WikiLeaks mô tả là “đợt công bố thông tin lớn nhất về tài liệu mật của CIA”. Giới chức tình báo và thực thi pháp luật Mỹ cho biết các nhà thầu nhiều khả năng đã xâm nhập hệ thống bảo mật và chuyển các tài liệu này cho WikiLeaks. Phía CIA từ chối xác nhận độ xác thực của những tài liệu bị tiết lộ, song chỉ trích việc công bố những tài liệu mật của WikiLeaks đang đe dọa sự an toàn của người dân Mỹ, tiếp tay cho những kẻ thù của nước Mỹ và cản trở nỗ lực chống các mối đe dọa khủng bố của nước này.