‘Nấc thang mới’ trong ‘cuộc chiến’ Trump – Twitter

(PLVN) - Hôm qua – 29/5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp đòi hỏi sửa đổi pháp luật để hạn chế quyền của các mạng xã hội, thì Twitter đã gắn một nhãn 'cổ súy bạo lực' trên một bài viết của ông đe dọa gửi lực lượng vũ tráng tới trấn áp người biểu tình ở Minneapolis.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bài đăng (tweet) của ông Trump là về bạo lực ở Minneapolis sau khi George Floyd - một người đàn ông da đen 46 tuổi đã chết hôm 25/5 sau khi bị cảnh sát da trắng ghì cổ. Trong bài viết, ông Trump nói rằng quân đội có thể tham gia và rằng "khi cuộc cướp bóc xảy ra, vụ nổ súng bắt đầu".

Twitter đã giấu tweet này đằng sau một cảnh báo rằng nó vi phạm các quy tắc của nền tảng về "cổ súy bạo lực", một động thái diễn ra ít giờ sau khi ông Trump ký lệnh hành pháp nhắm vào các mạng xã hội như Twitter và Facebook.

Twitter đã gắn một nhãn cảnh báo vào một tweet của Tổng thống Trump có vẻ như đe dọa những người biểu tình ở Minneapolis.

Twitter đã gắn một nhãn cảnh báo vào một tweet của Tổng thống Trump có vẻ như đe dọa những người biểu tình ở Minneapolis. 

Twitter đã đặt dòng tweet phía sau một khối có nội dung: "Tweet này đã vi phạm Quy tắc Twitter về cổ súy bạo lực. Tuy nhiên, Twitter đã xác định rằng có thể quan tâm công khai nên Tweet vẫn có thể truy cập được."

Điều này không có nghĩa là tweet đã bị xóa. Để xem nó, người dùng phải chủ động nhấp vào khối này để nói rằng họ muốn đọc tweet. Tuy nhiên, họ sẽ không thể trả lời tweet hoặc "thích" nó.

Twitter giải thích trong một tuyên bố được đăng trên nền tảng của mình: "Tweet này vi phạm các chính sách của chúng tôi về việc cổ súy bạo lực dựa trên bối cảnh lịch sử của dòng cuối cùng, mối liên hệ với bạo lực và nguy cơ nó có thể truyền cảm hứng cho các hành động tương tự hôm nay."    

Công ty nói thêm: "Chúng tôi đã hành động để ngăn người khác được bị xúi giục thực hiện các hành vi bạo lực, nhưng đã giữ Tweet trên Twitter nên công chúng vẫn có thể thấy Tweet …”.

Twitter đã gắn  cùng một nhãn trên một phiên bản tweet được lặp lại bởi tài khoản chính thức của Nhà Trắng vào thứ Sáu.

Trước đó, hôm thứ Ba, Twitter đã thêm các liên kết kiểm tra thực tế vào hai trong số các tweet của Trump tuyên bố bỏ phiếu qua thư ở California sẽ là "gian lận đáng kể".  

Điều đó làm ông Trump giận giữ. Hôm thứ Năm, tổng thống đã ký một lệnh hành pháp đe dọa Twitter và Facebook. Lệnh này nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý liên bang quyền sửa đổi Mục 230 của Đạo luật về Thông tin về Truyền thông - một phần của luật pháp Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump muốn kiểm soát chặt chẽ hơn quyền hạn của các trang mạng xã hội thông qua Mục 230 của Đạo luật về Thông tin về Truyền thông, được thông qua vào năm 1996. Đạo luật này cho phép các nền tảng mạng xã hội được quyền chỉnh sửa, dỡ bỏ các nội dung người dùng đăng tải, mà không bị người dùng kiện cáo. Ông Trump muốn làm suy yếu quyền này của những mạng xã hội như Twitter hay Facebook.

Theo các chuyên gia, đòn giáng mạnh tay này của ông Trump có thể tạo ra hậu quả không ai mong muốn. Theo đó, các trang mạng xã hội có thể sẽ dùng tới biện pháp cực đoan là xóa hẳn các bài viết, hoặc thậm chí chặn luôn người dùng, thay vì mất công "chỉnh sửa", "tẩy xóa" để rồi lại bị người dùng kiện cáo ngược trở lại.

Khi đó, Internet là một thế giới hỗn loạn, nơi mà ai cũng có thể post bất cứ cái gì họ muốn, mà không có một "bàn tay lớn" nào đứng ra kiểm duyệt chỉ vì sợ phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện mỗi ngày. 

Trong suốt 4 năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump có những lời đe dọa "đóng cửa", "kiểm soát" nhắm tới các cơ quan truyền thông. Twitter, Facebook, Google hay CNN, Thời báo New York, Washington Post... đều từng phải hứng chịu "cơn thịnh nộ" tương tự.

Tuy nhiên, nếu hỏi ông Trump có muốn xóa tài khoản mạng xã hội của mình không, thì câu trả lời là "Không". "Các tài khoản của tôi trên Twitter, Facebook hay Instagram có tổng cộng 186 triệu người theo dõi. Con số này là rất lớn"- Tổng thống Trump trả lời trước báo giới ngày 28/5.

Tài khoản Twitter có hàng chục triệu người follow của Tổng thống Mỹ.

Tài khoản Twitter có hàng chục triệu người follow của Tổng thống Mỹ.

Là một người dùng cực kì tích cực của mạng xã hội, Tổng thống Trump được lợi rất nhiều từ những nền tảng này. Trang CNN bình luận, mạng xã hội đã góp phần lớn vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 vì đã cung cấp một nền tảng để ông Trump có thể tự do truyền bá thông tin tới hàng trăm triệu người dùng và hầu như không bị kiểm duyệt bởi bất cứ bên thứ ba nào. 

CNN cũng bình luận thêm, nếu Đạo luật 230 có nên bị thay đổi, thì phải thay đổi theo hướng ngược lại, đó là trao cho các trang mạng xã hội này nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong việc kiểm duyệt độ xác thực trong các bài đăng của người dùng, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin sai lệch, "tin rác", những nội dung mang tính bạo lực, thù hằn đang tràn lan trên mạng, gây ảnh hưởng tới mọi xã hội.

Dòng tweet của ông Trump bị Twitter gán mác "có khả năng gây hiểu lầm"
 Dòng tweet của ông Trump bị Twitter gán mác "có khả năng gây hiểu lầm"

Về phía Twitter, trang này chỉ đưa ra giải thích ngắn gọn rằng những dòng tweet của Tổng thống Trump gần đây có thể gây "bối rối" cho các cử tri về quá trình bầu cử - nên Twitter buộc phải có động thái kiểm duyệt. Các công ty công nghệ khác cũng lên tiếng, nói rằng sắc lệnh mới nhất của ông Trump hoàn toàn không hợp pháp. 

Các chuyên gia nói với Business Insider, ông Trump không có thẩm quyền pháp lý để điều chỉnh cách các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt bài phát biểu trên nền tảng của họ. 

Hai thể chế liên quan tới sắc lệnh này là Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đều là những cơ quan độc lập, họ sẽ không hành động chỉ dựa vào sắc lệnh của Tổng thống. Các chuyên gia về luật pháp cũng nói rằng Tổng thống Trump không có quyền hạn "đóng cửa" hoàn toàn các công ty công nghệ nói trên chỉ vì ông bất đồng quan điểm với họ.