Nhật Bản thiết lập ngân sách quốc phòng kỷ lục với 52 tỷ USD

(PLVN) - Chính phủ Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục với 52 tỷ USD, phân bổ nguồn lực chế tạo chiến đấu cơ tàng hình mới và mua tên lửa chống hạm tầm xa.
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide duyệt binh tại căn cứ không quân Iruma ở tỉnh Saitama hôm 28/11/2020. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide duyệt binh tại căn cứ không quân Iruma ở tỉnh Saitama hôm 28/11/2020. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, hôm nay (21/12), chính phủ Nhật đồng ý tăng mức chi tiêu quân sự năm thứ chín liên tiếp, tài trợ việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình và tên lửa chống hạm có tầm bắn xa hơn để đối phó Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ được cấp ngân sách kỷ lục 5.340 tỷ yen (51,7 tỷ USD) cho năm tính từ tháng 4/2021, tăng 1,1% so với năm nay. Với việc đảng của Thủ tướng Suga Yoshihidechiếm đa số trong quốc hội, chắc chắn khoản ngân sách này được thông qua, Reuters nhận định.

Ông Suga đang tiếp tục việc tăng cường năng lực quân sự mà người tiền nhiệm Abe Shinzo theo đuổi, dù đó là chiến lược gây ra nhiều tranh cãi. Gói ngân sách mới sẽ mang lại cho lực lượng Nhật Bản máy bay, tên lửa và tàu sân bay mới với tầm bắn và sức mạnh lớn hơn nhằm chống lại các đối thủ tiềm tàng.

Nhật Bản đang mua tên lửa có tầm bắn xa hơn, đồng thời xem xét trang bị và huấn luyện quân đội của mình để tấn công các mục tiêu xa xôi ở Trung Quốc, Triều Tiên và những khu vực khác ở châu Á.

Nằm trong kế hoạch còn có một máy bay chiến đấu phản lực. Đây là máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Nhật sau 3 thập kỷ, dự kiến có giá khoảng 40 tỷ USD và sẽ sẵn sàng để sử dụng vào thập niên 2030. Dự án này do Mitsubishi Heavy Industries Ltd dẫn dắt với sự giúp đỡ từ Lockheed Martin Corp và nhận được 706 triệu USD trong ngân sách mới.

Nhật Bản sẽ chi 323 triệu USD để bắt đầu phát triển tên lửa chống hạm tầm xa nhằm bảo vệ chuỗi đảo Okinawa ở phía Tây Nam.

Các giao dịch mua lớn khác bao gồm 628 triệu USD cho 6 máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed F-35. Trong số này có 2 biến thể máy bay cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) B, sẽ hoạt động trên một tàu sân bay trực thăng chuyển đổi.

Quân đội cũng sẽ có được 912 triệu USD để đóng hai tàu chiến nhỏ gọn có thể hoạt động với ít thủy thủ hơn các tàu khu trục thông thường, giảm bớt áp lực đối với hải quân đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tân binh với tình trạng dân số già.

Nhật Bản cũng muốn có 2 tàu chiến mới mang theo radar phòng thủ tên lửa đạn đạo và đối không Aegis mới, có tầm bắn gấp ba lần các mẫu cũ. Chính phủ vẫn chưa ước tính chi phí của kế hoạch thay thế một dự án đã bị hủy bỏ vào tháng 6 để xây dựng 2 trạm Aegis Ashore trên mặt đất.