Pháp: Điều tra ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen

(PLO) -Việc lần đầu tiên giành một ghế trong hạ viện không đồng nghĩa với việc Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen, ứng cử viên Tổng thống thoát khỏi rắc rối pháp lý...
Bà Marine Le Pen
Bà Marine Le Pen

Bà Marine Le Pen vừa phải xuất hiện trước các thẩm phán tại Paris hôm 30-6 và chịu những cáo buộc sơ bộ về vi phạm tín nhiệm và đồng lõa trong việc sử dụng sai ngân quỹ của Liên minh châu Âu (EU), khi còn làm việc tại Nghị viện châu Âu (EP). Một lần nữa, bà Marine Le Pen phủ nhận mọi cáo buộc và coi việc này mang động cơ chính trị. 

Chính thức điều tra

Theo hãng AFP và Reuters, cơ quan công tố Pháp đã chính thức mở cuộc điều tra đối với bà Marine Le Pen, với cáo buộc sử dụng trái phép ngân quỹ của EP để trả tiền cho thành viên của đảng FN làm việc tại Pháp. Đó là Catherine Griset, cựu Chánh văn phòng của bà Marine Le Pen và  Thierry Legier, vệ sĩ của Chủ tịch đảng FN.

Việc này diễn ra sau khi bà Marine Le Pen rời khỏi EP hồi đầu tháng 6 (được bầu từ năm 2004). Bà Catherine Griset đã bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm trong cuộc điều tra liên quan đến việc Chủ tịch đảng FN chiếm dụng 360.000 USD từ EP.

7 tháng trước (tháng 12-2016), các công tố viên Pháp đã tiến hành điều tra bà Marine Le Pen, sau khi Ủy ban chống gian lận châu Âu cáo buộc Chủ tịch đảng FN lạm dụng công quỹ của EP. Bởi trên thực tế các trợ lý của bà Marine Le Pen chỉ làm việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những nhiệm vụ trợ lý nghị sỹ châu Âu. 

Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, bà Marine Le Pen phải trả lại gần 5 triệu euro, số tiền đã được EP chi cho thủ lĩnh đảng FN trước đây. Luật sư của bà Marine Le Pen cho biết thân chủ sẽ làm đơn kháng cáo chống lại cuộc điều tra kể trên.

Trước đó (16-2), bà Marine Le Pen bác bỏ thông tin của báo chí cho rằng, Chủ tịch đảng FN đã thừa nhận tạo việc làm giả cho hai trợ lý. Nếu bị kết tội, bà Marine Le Pen phải đối mặt với bản án 3 năm tù giam và 75.000 euro tiền phạt. 

Bà Marine Le Pen trả lời phỏng vấn
Bà Marine Le Pen trả lời phỏng vấn

Cáo buộc nhiều tội danh

Hơn 4 tháng trước (3-3), EP đã tước quyền miễn truy tố của bà Marine Le Pen vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của IS trên mạng xã hội Twitter. Việc này diễn ra sau khi bà Marine Le Pen bị các công tố viên Pháp điều tra về việc đăng 3 bức ảnh trên Twitter, trong đó có bức ảnh chụp cảnh IS đang hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. 

Hơn 2 năm trước (tháng 3-2015), bộ phận dịch vụ tài chính của EP đã thông báo với Chủ tịch EP lúc bấy giờ là ông Martin Schulz về những nghi vấn của họ. Và ông Martin Schulz đã yêu cầu Cơ quan chống gian lận (OLAF) của EP điều tra.

EP từng yêu cầu cơ quan công tố Pháp mở cuộc điều tra sơ bộ (từ tháng 3-2015) và tới hôm 15-12-2016, một cuộc điều tra chính thức về việc trả lương cho 2 trợ lý của bà Marine Le Pen đã được tiến hành. Theo đó, bà Marine Le Pen bị cáo buộc vi phạm lòng tin và che giấu, gian lận có tổ chức, sử dụng giấy tờ giả mạo và không khai báo lao động. 

Theo tờ Le Monde, các công tố viên mở cuộc điều tra đối với bà Marine Le Pen từ ngày 15-12-2016, với các tội danh như "bội tín", "che giấu hành vi phạm tội", “lừa đảo có tổ chức", "giả mạo tài liệu và sử dụng tài liệu giả".

Năm 2013, bà Marine Le Pen từng bị tước quyền miễn truy tố. 2 năm sau (2015), Chủ tịch đảng FN bị truy tố vì tội "kích động phân biệt đối xử với niềm tin tôn giáo", khi so sánh lời nguyện cầu của tín đồ Hồi giáo với việc chiếm đóng Pháp của Đức quốc xã trong thế chiến II...

Ủy ban Tối cao về minh bạch tài sản cá nhân (cơ quan tư pháp độc lập chuyên giám sát và công bố thực trạng tài sản của chính trị gia Pháp), từng điều tra ông Jean-Marie Le Pen và bà Marine Le Pen. Ông Jean-Marie Le Pen là người sáng lập đảng FN, còn bà Marine Le Pen là con gái chính khách gần 90 tuổi này.
Và họ bị cáo buộc cố ý giảm giá trị khối tài sản chung xuống còn 1/3. Hành vi khai báo gian dối tài sản cá nhân bị phạt tới 45.000 euro, cùng mức án tù tối đa 3 năm. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị cấm ra tranh cử trong thời hạn 10 năm.