Quân đội Mỹ “loay hoay” với máy bay chiến đấu thế hệ 6

(PLO) -Theo báo cáo mới nhất của Hải quân Mỹ, lực lượng này đang gặp vấn đề về xây dựng phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay cho giai đoạn sau năm 2030. 
Bộ Quốc phòng Mỹ muốn máy bay thế hệ 6 là máy bay ném bom không người lái
Bộ Quốc phòng Mỹ muốn máy bay thế hệ 6 là máy bay ném bom không người lái

Mặc dù Hải quân Mỹ muốn triển khai kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 6 F/A-XX để thay thế cho F-35 – vốn dự kiến sẽ đóng vai trò chủ lực trong phi đội hoạt động trên tàu sân bay, song mong muốn này lại không nhận được sự ủng hộ của Lầu Năm Góc. 

Bỏ qua F-35, thẳng tiến lên F/A-XX

Hải quân Mỹ xác định, môi trường an ninh sẽ có nhiều biến đổi sau năm 2030 với những khu vực cấm tiếp cận, được phòng vệ bởi các hệ thống phòng không tích hợp hiện đại và các máy bay chiến đấu thế hệ mới của đối phương.

Dù vậy, đến nay, lực lượng này vẫn chưa có một kế hoạch hợp lý và nhất quán về chiếc máy bay sẽ được trang bị cho tàu sân bay vào giai đoạn này: nếu chiếc máy bay thế hệ 6 F/A-XX vẫn còn nhiều tranh cãi trong ý tưởng thiết kế, thì máy bay thế hệ 5 F-35C lại đang gặp vấn đề về chi phí – dù F-35C vẫn là chiếc máy bay có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của Hải quân Mỹ ở thời điểm đó.

“Để những chiếc tàu sân bay có thể hoạt động trong môi trường an ninh tương lai, với sự phòng thủ của các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến như S-300 hay S-400, Không lực hải quân Mỹ cần phải có trong tay những chiếc máy bay chiến đấu vượt trội so với những thiết kế hiện nay” – ông Jerry Hendrix, Giám đốc Chương trình Đánh giá Chiến lược Quốc phòng thuộc  Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết. 

Theo một nguồn tin thân cận với Hải quân Mỹ, lực lượng này không lo ngại về năng lực của máy bay chiến đấu tàng hình F-35C. Thế nhưng, Cục Không quân N98 thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ chỉ huy Phòng không không quân đều đặc biệt quan ngại về vấn đề chi phí của F-35C.

Theo kế hoạch, mỗi phi đội máy bay F/A-18E/F Super Hornet hiện đang được trang bị cho tàu sân bay cần được thay thế bằng 12 chiếc F-35C mới. Nhưng con số thực tế có thể đạt được sẽ chỉ là 10 chiếc bởi thiếu nguồn tài chính. Ông Jerry Hendrix lý giải: “Nếu Hải quân Mỹ không được bổ sung thêm ngân sách, họ buộc phải cắt giảm số lượng máy bay sở  hữu. Đó là bài toán hết sức đơn giản”. 

Theo ông Hendrix, chính bởi chi phí đắt đỏ của F-35C, nếu Hải quân Mỹ có cơ hội từ bỏ Chương trình Nghiên cứu phát triển Máy bay chiến đấu kết hợp F-35C, họ sẽ sẵn sàng làm vậy.

Trên thực tế, Hải quân Mỹ đang muốn bỏ qua máy bay thế thứ 5 F-35C để chuyển thẳng lên máy bay thế hệ 6 F/A-XX, bởi Hải quân Mỹ cho rằng F/A-XX sẽ được thiết kế phù hợp với yêu cầu của họ hơn. Nhưng ông Jerry Hendrix cho rằng vấn đề chính là “F/A-XX giờ vẫn chỉ là một giấc mơ trên giấy và họ sẽ phải đưa giấc mơ đó quay trở về cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng xét duyệt”.

Bài toán phi đội trên tàu sân bay Mỹ sau năm 2030 vẫn chưa có lời giải.
 Bài toán phi đội trên tàu sân bay Mỹ sau năm 2030 vẫn chưa có lời giải. 

Tranh cãi nội bộ

Trong khi nhiều nhà quan sát bên ngoài đưa ra hàng loạt giả thiết về chiếc máy bay F/A-XX trong tương lai, ví dụ như một loại máy bay siêu thanh, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 băng tần rộng hay thậm chí là một loại máy bay ném bom tàng hình tầm xa…, ý niệm của Hải quân về chiếc máy bay F/A-XX “trần tục” hơn nhiều.

Hải quân Mỹ không những cho rằng F/A-XX đơn giản là một chiếc máy bay chiến đấu có người lái, lực lượng này còn không trông mong gì vào năng lực vượt trội của F/A-XX so với loại máy bay Super Hornet hiện nay. Trên thực tế, F/A-XX – giống như hình dung hiện tại của Hải quân Mỹ – có thể có năng lực kém hơn cả F/A-18E/F với việc giảm tiết diện phản xạ radar, khiến nó dễ bị các hệ thống phòng không phát hiện hơn. 

“Những gì họ thật sự muốn – thật không may – lại rất giống một chiếc F/A-18 Hornet, chỉ là hiện đại hóa hơn một chút. Còn tính năng cơ bản gần như giống như một chiếc siêu Super Hornet – nghĩa là có tốc độ nhanh hơn. Một chiếc máy bay như thế chắc chắn không thể hoạt động trong những vùng được bảo vệ bởi hệ thống phòng không S-300 hay S-400”. 

Nguyên nhân đằng sau ý niệm khá kỳ quặc về chiếc F/A-XX như vậy xuất phát từ trong chính nội bộ Hải quân Mỹ. Những phi công từng lái Super Hornet và các quan chức về hệ thống vũ khí được cho là đang cố gắng ủng hộ một chiếc máy bay thế hệ 6 kế thừa thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ 4 F/A-18 Super Hornet.

“Những người ủng hộ Super Hornet quen thuộc với máy bay Boeing và họ muốn chuyển sang một thiết kế cũng mang hơi hướng của Boeing” – ông Jerry Hendrix lý giải. Tuy nhiên, chính vì thiết kế bảo thủ, không vượt trội so với F-35C, ý tưởng về chiếc máy bay thế hệ 6 F/A-XX của Hải quân Mỹ không nhận được sự đồng tình của Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus.

Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Thứ trưởng Robert Work và Bộ trưởng Hải quân Mabus đều muốn F/A-XX phải là một thiết kế máy bay ném bom tàng hình tầm xa – ý tưởng này khiến những người ủng hộ Super Hornet thất vọng. 

Bởi vậy, cộng đồng những người ủng hộ Super Hornet đã cố tình “gây khó” cho Chương trình Phát triển máy bay trinh sát và tấn công không người lái cho tàu sân bay (UNCLASS) bằng việc nhất quyết yêu cầu: chiếc máy bay không người lái được phát triển trong chương trình phải là loại máy bay tình báo, giám sát và trinh sát, kết hợp với khả năng tấn công.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Hải quân khăng khăng theo hướng thiên về năng lực tấn công cho loại máy bay mới. Những bất đồng khiến chương trình nghiên cứu gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Một số chuyên gia vũ khí nhận định rằng:

“Lực lượng Không quân hải quân đã vứt bỏ ít nhất là hai cơ hội trước khi đề xuất thêm một chương trình kỳ quặc như thế nữa. Họ không muốn bất cứ một thiết kế nào nếu nó cản trở F/A-XX, và điều đáng nói là một chiếc F/A-XX nhất thiết phải giống một chiếc Super Hornet!”

Hải quân Mỹ hình dung máy bay thế hệ 6 không khác mấy so với Super Hornet
Hải quân Mỹ hình dung máy bay thế hệ 6 không khác mấy so với Super Hornet

Tương lai mù mờ

Với sự phản đối của Bộ Quốc phòng, Hải quân Mỹ đang muốn trì hoãn chương trình phát triển phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sau năm 2030 sang đời Tổng thống tiếp theo – khi bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump lên nắm quyền.

Khi đó, Hải quân Mỹ hy vọng có thể cắt bớt kinh phí mua sắm F-35 để thúc đẩy phát triển F/A-XX. Như vậy, cho đến giữa những năm 2030, những chiếc tàu sân bay của Mỹ vẫn chỉ được biên chế các loại máy bay Boeing thế hệ 4 như F/A-18E/F Super Hornets. 

Trước câu hỏi rằng các tàu sân bay Mỹ sẽ hoạt động ra sao trong môi trường đầy đe dọa sau năm 2030 nếu chỉ được trang bị máy bay thế hệ 4 như Super Hornet, Bộ chỉ huy Phòng không Hải quân chỉ đưa ra câu trả lời chung chung: “Bộ Chỉ huy Hải quân (OPNAV) và Đơn vị tác chiến không quân của Hải quân Mỹ (NAVAIR) đang tiếp tục phân tích năng lực của các thiết bị được trang bị cho tàu sân bay cũng như năng lực tiềm năng của đối phương.

Từ đó, chúng tôi sẽ có lộ trình, kế hoạch về phát triển về công nghệ, đảm bảo các yếu tố kỹ chiến thuật liên quan sau năm 2030. Các loại máy bay được xem xét trang bị cho tàu sân bay có thể là F/A-18s, EA-18G, E-2C/D, JSF…”

Ông Bryan McGrath, Giám đốc điều hành của Tập đoàn tư vấn hàng hải FerryBrige cho biết, với những gì đang diễn ra, nhiều khả năng tàu sân bay những năm 2030 vẫn giống như hiện tại, ngoài việc có thể được trang bị thêm một số máy bay chiến đấu F-35C khi hoạt động trong các phạm vi được phòng vệ cao.

Trong khi đó, ông Bryan Clark, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Ngân sách cho biết, chương trình phát triển Hệ thống Phòng không điều khiển hỏa lực tích hợp Hải quân là chìa khóa cho hoạt động của tàu sân bay trong môi trường sau năm 2030.

Khi đó, Hải quân có thể sử dụng F-35C hoặc F-35B như một chiếc máy bay tàng hình có tính năng tình báo, do thám, trinh sát để tìm mục tiêu, sau đó chuyển dữ liệu qua hệ thống kết nối an toàn tới những chiếc “xe tải mang tên lửa” F/A-18E/F để thực hiện nhiệm vụ tấn công. Một lựa chọn khác của Hải quân là sử dụng F/A-18E/F để tấn công, E/A-18G để phòng vệ và F-35C để gây nhiễu cho hệ thống phòng không đối phương. 

Trong mọi kịch bản mà các chuyên gia quân sự Mỹ có thể tiên đoán cho tới thời điểm này, không ai có thể xác định một cách chắc chắn về vai trò và tính năng của loại máy bay thế hệ 6 F/A-XX. Nhiều người cho rằng, một khi Hải quân Mỹ chưa có ý niệm nhất quán về chiếc máy bay thế hệ 6, tốt nhất là họ không nên bắt đầu, tránh việc F/A-XX lại bị đội kinh phí như đã từng xảy ra với F-35C khi bị chậm tiến độ nghiên cứu...