Quốc gia khởi nghiệp hàng đầu ở châu Á - mục tiêu khó với Singapore

(PLO) - Singapore được công nhận là có một trong những mô hình phát triển kinh tế thích hợp và hiệu quả nhất. Nhờ mô hình ấy, nơi này trong khoảng thời gian mấy thập kỷ đã trở thành một trong những quốc gia có mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao nhất thế giới. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng thời thế thay đổi khiến cho chẳng có gì tồn tại được mãi mãi. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm, môi trường kinh tế đối ngoại không còn thuận lợi như trước, động lực phát triển giảm dần tác dụng, các vấn đề xã hội trở nên gay gắt và cạnh tranh ở khu vực ngày càng quyết liệt buộc quốc gia thành phố này phải có quy hoạch phát triển lâu dài. 

Mô hình tăng trưởng kinh tế ở đây kết hợp thương mại với công nghiệp và kinh tế tài chính thể hiện cụ thể ở xây dựng hải cảng, mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp và quy định lỏng lẻo về tài chính ngân hàng. Nhưng giờ thương mại thế giới suy giảm và các chế tài về tài chính thương mại bị siết chặt, cho nên Singapore phải có chiến lược phát triển khác với mô hình và động lực tăng trưởng khác.

Hai định hướng chính của chiến lược phát triển mới này là tranh thủ vốn đầu tư của nước ngoài và trở thành một trong những quốc gia khởi nghiệp hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Cả hai việc này đều không dễ đạt được nhưng xem ra Singapore không có sự lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục thành quả phát triển rất ấn tượng của nó.

Ở khu vực, châu lục cũng như trên thế giới, Singapore là một trong những nơi có nhiều tiền đề thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Không thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao, nền hành chính công với hiệu quả cao, chính phủ thực thi chính sách ưu đãi thuế và thu hút đầu tư nước ngoài, quốc gia lại ở vị trí địa lý thuận lợi cho trao đổi thương mại và dịch vụ, làm trung tâm giao thương và tài chính cho khu vực, châu lục và thế giới là những tác nhân đã giúp Singapore thành công trong quá khứ và tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điểm xuất phát này cũng rất thuận lợi cho việc Singapore thực hiện ước vọng trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công. 

Cách làm của Singapore để trở thành quốc gia khởi nghiệp có những nét đặc thù riêng với vai trò của nhà nước là quyết định nhất. Ở Singapore, nếu không có sự khích lệ, tham gia trực tiếp và tài chính của nhà nước thì gần như không thể làm được thành công chuyện gì, trong chuyện khởi nghiệp lại càng như vậy. Đó là một thế mạnh nhưng đồng thời cũng là một điểm yếu của xứ này. Nhà nước và tư nhân cùng với cả một số công ty tài chính và hãng đầu tư mạo hiểm nước ngoài cùng nhau thành lập một quỹ tài chính hậu thuẫn cho khởi nghiệp với mức vốn hiện tại là 30 tỷ USD. 

Nhà nước đưa ra những định hướng lớn và có nhiều ưu đãi lớn để khích lệ các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp theo những định hướng ấy. Các lĩnh vực khởi nghiệp được ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ tin học và dịch vụ vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước vừa nhằm vào thị trường bên ngoài. Nhà nước cùng với tư nhân thành lập một số trung tâm làm đầu mối tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp hay cá nhân ở Singapore khởi nghiệp ở nước ngoài và cho doanh nghiệp hoặc cá nhân nước ngoài khởi nghiệp ở Singapore.

Theo cách hiểu phổ biến hiện tại, khởi nghiệp khác với thành lập doanh nghiệp. Ý tưởng kinh doanh mới mẻ, tính sáng tạo và mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng được coi là những tiêu chí cơ bản cho định nghĩa về khởi nghiệp. Khởi nghiệp như thế vừa thuận lợi lại vừa khó khăn ở Singapore. Nhìn về chiến lược lâu dài thì định hướng phát triển trở thành quốc gia khởi nghiệp hàng đầu ở châu Á là đúng đắn và dễ hiểu, nhưng đầy tham vọng và không dễ dàng khả thi đối với Singapore.

Mô hình khởi nghiệp ở nơi đây có những đặc thù riêng không phải chỉ có thuận lợi cho Singapore nhưng nếu không như thế thì càng khó khả thi đối với Singapore. Một khi không có sự lựa chọn nào khác thì phải tìm mọi cách để làm ra được cái tốt nhất từ sự lựa chọn ấy.