Syria chưa thể 'giã từ vũ khí'

(PLO) - Trong bối cảnh bản đồ xung đột Syria đang xoay chuyển đáng kể theo hướng có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad, các đồng minh Nga của nhà lãnh đạo này lại muốn biến các thành tựu quân sự thành một thỏa thuận bền vững nhằm ổn định quốc gia kiệt sức vì chiến tranh và đảm bảo các lợi ích trong khu vực.
Syria tan hoang sau chiến tranh nhưng vẫn chưa dễ “giã từ vũ khí”
Syria tan hoang sau chiến tranh nhưng vẫn chưa dễ “giã từ vũ khí”

Một năm sau thất bại của phe đối lập tại Aleppo, quân đội chính quyền được Nga và Iran hậu thuẫn đã giành lại phần lớn lãnh thổ còn “caliphate” (Vương quốc Hồi giáo) của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thì đã sụp đổ. 

Tranh cãi

Trong khi các cuộc đàm phán được LHQ chủ trì tại Geneva không thể đạt kết quả khả quan, Nga đang chuẩn bị tự mình thúc đẩy một lộ trình chính trị vào năm 2018. Trong chuyến thăm một căn cứ không quân Nga tại Syria hồi tuần trước, Tổng thống Putin tuyên bố nhiệm vụ quân sự tại quốc gia này đã hoàn thành và thời cơ đã chín muồi để xúc tiến một giải pháp chính trị. Mặc dù Washington vẫn một mực khẳng định rằng Tổng thống Assad phải ra đi, một nhân vật cấp cao trong phe đối lập Syria nói với hãng tin Reuters rằng Mỹ và các chính phủ khác ủng hộ quân nổi dậy cuối cùng cũng đã “nhượng bộ” trước kế hoạch nhằm kết thúc chiến tranh của Nga. Điều này được Damascus xem là một sự bảo đảm cho vị thế của ông Assad. Một quan chức Syria cho rằng “cuộc khủng hoảng tại Syria đang thay đổi, và là một sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp”. 

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tranh cãi về khả năng giải pháp ngoại giao mà Nga đưa ra có thể đem tới hòa bình ổn định cho Syria, đủ để hàng triệu người tị nạn quyết tâm hồi hương hay thu hút các khoản viện trợ tái thiết đất nước từ phương Tây. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy ông Assad sẵn sàng thỏa hiệp với phe đối lập. Trong khi đó, cuộc chiến cũng cho phép đồng minh lớn khác của chế độ Damascus là Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG), mở rộng ảnh hưởng khu vực, điều mà Tehran không muốn bị hủy hoại bởi bất kỳ thỏa thuận nào ở Syria. 

Từng phối hợp chặt chẽ để bảo toàn chế độ Assad, Iran và Nga giờ đây có thể sẽ bắt đầu nảy sinh những bất đồng với nguy cơ làm phức tạp chính sách của Nga. Ông Assad và các đồng minh hiện đang kiểm soát phần lớn diện tích lãnh thổ Syria, trong khi các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn chủ yếu cai quản phần phía Đông và Bắc Syria, và hiện tập trung vào mục tiêu thiết lập khu tự trị hơn là chiến đấu chống lại Damascus. 

Quân nổi dậy chống chính quyền hiện vẫn nắm giữ một vùng lãnh thổ phía Tây Bắc sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một phần vùng phía Tây Nam sát biên giới với Israel và vùng Đông Ghouta gần Damascus. Vùng Đông Ghouta và khu vực Tây Bắc là những nơi đang có chiến sự. Cựu Đại sứ Đan Mạch tại Syria Rolf Holmboe bình luận: “IRG rõ ràng biết rằng họ đã chiến thắng cuộc chiến này và những nhân vật cứng rắn tại Iran không quan tâm gì hơn ngoài mối quan hệ hòa hảo với Assad, bởi vậy tình hình khó có thể thực sự tiến triển… Assad sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp chính trị nào có liên quan tới việc chia sẻ quyền lực. Giải pháp mà ông ấy có thể nhượng bộ là giữ nguyên trạng những gì đang diễn ra trên thực địa”. 

Mặc dù Tổng thống Assad dường như “không thể đánh bại”, song các chính phủ phương Tây vẫn hy vọng có thể thúc đẩy các thay đổi từ trong Syria bằng việc dùng viện trợ tái thiết để thúc đẩy một tiến trình chính trị dẫn tới một “cuộc chuyển giao thực sự”. 

Còn nhiều nguy cơ

Dù vẫn khẳng định rằng mọi thỏa thuận hòa bình đều chỉ có thể được hoàn tất với sự hậu thuẫn của LHQ, song mục tiêu của Nga là xúc tiến lộ trình riêng của mình trong cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng ở Sochi đầu năm 2018 tới, đích cuối cùng là xây dựng một bản hiến pháp mới sau các cuộc bầu cử. Một nhân vật cấp cao trong phe đối lập Syria nói rằng Mỹ và các quốc gia khác từng ủng hộ họ như Saudi Arabia, Qatar, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã “quy thuận” trước Nga và Sochi, chứ không phải Geneva mới là tâm điểm của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, nhân vật này cho rằng “lịch trình: 6 tháng, hai năm hay 3 năm, tất cả đều phụ thuộc vào sự thấu hiểu lẫn nhau giữa Nga và Mỹ… Nếu Nga và Mỹ bất đồng sâu sắc, tất cả sẽ đảo lộn”. 

Nhà phân tích cấp cao Noah Bonsey, hiện làm việc tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho rằng Nga nghiêm túc thúc đẩy tiến trình chính trị, nhưng chỉ với các điều kiện và toan tính của chính họ. Ông nói: “Tôi không chắc họ vững tin về hướng đi của mình và cách để thúc đẩy thành công giải pháp chính trị, xung đột lợi ích giữa họ và các đồng minh có thể sẽ nảy sinh”. 

Số phận của người Kurd tại Syria là một trong những nội dung mà Nga và Iran đã thể hiện rõ những mục tiêu và cách nhìn khác nhau. Trong khi một quan chức cấp cao của Iran gần đây nói rằng chính phủ nước này sẽ lấy lại những phần đất do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nắm giữ thì Nga lại xúc tiến thỏa thuận với lực lượng này và các nhà bảo trợ Mỹ. 

Chính trị gia hàng đầu của Kurd Fawza Youssef bình luận: “Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, đã có những bất đồng giữa người Nga, Iran và chế độ (Damascus)”. Nga cho rằng cần phải tính đến mục tiêu chính đáng của người Kurd. Trong khi đó, Damascus, một mặt cảnh báo cộng đồng này, mặt khác sẽ tiếp tục lợi dụng họ làm công cụ của mình để đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào các vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy chiếm đóng ở phía Tây Syria.

Trong khi đó, tình hình khu vực phía Tây Nam lại vô cùng phức tạp với sự hiện diện của nhiều phe phái, trong đó cả Israel với quyết tâm ngăn chặn lực lượng được Iran hậu thuẫn ở cách xa biên giới của mình, điều có nguy cơ khiến nhà nước Do Thái phải dùng tới vũ lực. Ông Bonsey bình luận: “Tại nhiều vùng lãnh thổ của Syria vẫn còn không ít câu hỏi chưa có lời giải và vẫn tồn tại rất nhiều nguy cơ leo thang bạo lực”...