Tạo ra virus ngăn chặn virus corona hoạt động

(PLVN) - Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một loại virus trong phòng thí nghiệm có thể sử dụng làm vắc-xin chống virus corona. Cho đến nay, các xét nghiệm đã được tiến hành trên chuột bị nhiễm chủng virus corona gây ra bệnh MERS.
Hình ảnh chủng mới của virus corona gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp được WHO đặt tên là Covid-19. Ảnh: Sputnik
Hình ảnh chủng mới của virus corona gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp được WHO đặt tên là Covid-19. Ảnh: Sputnik

Các nhà khoa học cho rằng phương pháp này sẽ có hiệu quả chống virus SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Vi sinh học Mỹ (mBio).

Cho đến nay, không có loại vắc-xin nào trên thế giới có thể bảo vệ con người khỏi các bệnh do các chủng  virus corona gây ra, như COVID-19, hoặc trước đó là SARS và MERS.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học mô tả phương pháp đầy hứa hẹn dựa trên việc tạo ra một loại virus biến đổi gen có chứa các đoạn protein S-protein khiến các gai của virus corona gấp lại, qua đó chúng liên kết với các thụ thể trên bề mặt tế bào, cho phép virus xâm nhập vào bên trong tế bào khỏe mạnh.

Dựa trên virus tự nhiên parainfluenza 5 (PIV5), được biết đến ở chó nhưng an toàn cho người, các nhà khoa học đã tạo ra biến thể virus bằng cách thêm gen vào PIV5 khiến các tế bào bị nhiễm bệnh tạo ra S-glycoprotein, tương tự như tìm thấy trong các gai của  virus corona.

Các tác giả đã thử nghiệm virus mới tạo ra trên chuột, như một loại vắc-xin chống virus MERS. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng một liều vắc-xin virus duy nhất đã tạo ra các tế bào bị nhiễm một cách hiệu quả sinh ra protein S, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch chống protein này ở con vật.

Bốn tuần sau khi những con chuột được tiêm vắc-xin, chúng đã tiếp xúc với một chủng virus gây ra bệnh MERS. Virus MERS cũng được truyền đến các nhóm chuột kiểm soát vắc-xin PIV5 không gen cho protein S hoặc vắc-xin tiêm bắp với virus MERS bất hoạt.

Tất cả những con chuột được chủng ngừa virus biến thể PIV5 đều sống sót sau khi nhiễm virus MERS. Ngược lại, tất cả những con chuột được tiêm PIV5 mà không có S-protein đều chết vì nhiễm bệnh. Một loại vắc-xin tiêm bắp chống virus MERS bất hoạt chỉ bảo vệ được 25 % chuột khỏi bị mắc bệnh MERS.

Các tác giả hiện đã tập trung vào việc tạo ra một loại virus biến thể để chống SARS-CoV-2. Theo một thành viên nhóm nghiên cứu, "việc tìm ra loại vắc-xin hiệu quả chống virus corona gây ra COVID-19 là vấn đề thời gian.

Lần đầu tiên 100 % dân số chưa từng tiếp xúc với virus corona chủng mới trước khi nó gây ra đại dịch toàn cầu hiện nay, nghĩa là chúng ta chưa biết liệu mọi người có được miễn dịch lâu dài khỏi bệnh SARS-CoV-2 hay không, nhưng điều quan trọng là phải suy nghĩ về cách bảo vệ người dân".

Cơ chế lây nhiễm “đặc biệt” của virus corona

Bác sĩ Timur Bessarab, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Phó tiến sĩ y khoa, thành viên Ban chỉ đạo về kiểm soát và theo dõi tình hình dịch bệnh virus corona của Nga, chia sẻ về cơ chế lây nhiễm virus corona trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RT.

“Virus corona có cách đặc biệt để xâm nhập vào tế bào. Nó không xâm nhập qua màng tế bào ở những nơi tùy ý như nhiều virus khác. Hệ thống "gai vương miện" của virus tấn công các tế bào bằng cách thay thế các phân tử có ý nghĩa sống còn đối với tế bào bằng chất protein của "gai vương miện" này”, ông Bessarab chia sẻ.

Theo ông, cơ chế lây nhiễm như vậy khiến cho hệ thống miễn dịch của con người khó nhận biết virus hơn. “Từ đó bắt đầu công việc phá hoại của virus trong cơ thể. Điểm dễ bị tổn thương nhất là hệ thống cơ quan hô hấp”, bác sĩ cảnh báo.