Quy định về cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm: Có tránh được tình trạng cán bộ nhũng nhiễu?

(PLO) - Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2016/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần phải xây dựng quy định đảm bảo tính minh bạch của quy trình thủ tục hành chính, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi.

Dự thảo Thông tư đã sửa đổi hai thành phần tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09. Cụ thể, bỏ “Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, phương tiện chứa hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 44/2012/TT- BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương, quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa” vì chồng chéo với các quy định về hóa chất.

Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi “Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường theo Mẫu 3. PALSTB quy định tại Phụ lục Thông tư này” thành phương án do doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm và cơ quan nhà nước sẽ tiến hành hậu kiểm, bởi vì, hiện nay chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục để có sự phê duyệt này. 

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong văn bản góp ý mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các quy định được sửa đổi trên là hợp lý, phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần phải cân nhắc, xem xét sửa đổi thêm các quy định về trình tự thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (Điều 5). Cụ thể, Điều 5 Thông tư 09 quy định về trình tự thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, trong đó có các bước xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

VCCI cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch của quy trình thủ tục hành chính, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, cần bổ sung quy định về nguyên tắc yêu cầu bổ sung hồ sơ theo hướng: chỉ yêu cầu một lần cho việc bổ sung hồ sơ hợp lệ. Nguyên tắc này sẽ tránh được tình trạng cán bộ thực thi yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về hồ sơ, trình tự cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, khoản 1 Điều 6 Thông tư 09 quy định “Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp lại áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm còn hiệu lực nhưng bị mất, thất lạc, hư hỏng”, khoản 2 Điều 6 Thông tư 09 quy định về hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, trong đó có yêu cầu phải có “Báo cáo hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm đối với khối lượng đã thực hiện theo giấy phép vận chuyển đã được cấp theo mẫu”.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc yêu cầu loại tài liệu này trong Hồ sơ xin cấp lại giấy phép là chưa hợp lý, bởi vì trường hợp cấp lại xuất phát từ các nguyên nhân không ảnh hưởng đến các yếu tố an toàn cần kiểm soát của hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm (như trường hợp bổ sung, thay đổi nội dung ghi trong giấy phép). Trong khi đó, các yếu tố an toàn của hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp đã được kiểm soát trước đó ở thủ tục cấp giấy phép. Do đó, không cần thiết phải yêu cầu doanh nghiệp “báo cáo hoạt động vận chuyển” cho trường hợp xin cấp lại giấy phép khi bị mất, hư hỏng. Yêu cầu có báo cáo này là chưa rõ về mục tiêu quản lý.

Xét về yếu tố minh bạch, cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí nào để đánh giá báo cáo vận chuyển này và từ đó cho phép hay từ chối việc cấp lại giấy phép? Thông tư 09 hoàn toàn không quy định. Mặt khác, trong trường hợp, doanh nghiệp vừa được cấp giấy phép nhưng chưa phát sinh hoạt động vận chuyển đã bị mất/hư hỏng giấy phép thì sẽ không thể có được loại báo cáo này.

Trong các văn bản tương tự khác, các thủ tục cấp lại giấy phép trong trường hợp mất, hư hỏng, thường được thiết kế theo hướng đơn giản về hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục. Quy định về hồ sơ cấp lại giấy phép tại Thông tư 09 dường như chưa phù hợp.

Từ những phân tích trên, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị sửa đổi hồ sơ cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo hướng bỏ “Báo cáo hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm đối với khối lượng đã thực hiện theo Giấy phép vận chuyển đã được cấp theo Mẫu”, đồng thời bỏ “Mẫu 6.BCHĐVC quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư”.

Đọc thêm