Rạng Ðông - thương hiệu Việt hiếm hoi đủ sức chống chọi hàng giá rẻ Trung Quốc

(PLVN) - Trước khi phải đối mặt với việc khắc phục hậu quả của vụ cháy, Rạng Đông là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng trụ lại trong "cơn bão" hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc hay thậm chí cả Thái Lan. Có được điều đó là nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc hàng chất lượng cao của Rạng Đông.
Rạng Ðông - thương hiệu Việt hiếm hoi đủ sức chống chọi hàng giá rẻ Trung Quốc

Vào khoảng 18h30 ngày 28/8/2019, một vụ cháy lớn bùng lên tại khu nhà xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) ở địa chỉ 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dù không có thiệt hại về người, nhưng hỏa hoạn chỉ được khống chế sau gần 6 giờ bùng phát, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, hàng hóa, tài sản của Công ty khoảng 150 tỷ đồng và môi trường xung quanh khu vực cháy.

Không chỉ khiến người dân hoang mang, lo sợ cho sức khỏe của mình, vụ cháy còn khiến các nhà đầu tư, cổ đông Công ty ăn ngủ không yên. Bởi vì đây chính là "nhà máy in tiền" hàng chục năm qua khi Rạng Đông vẫn đứng vững trên thương trường bất chấp hàng giá rẻ từ Trung Quốc, thậm chí họ đã làm rất tốt trước khi hỏa hoạn xảy ra.

Thương hiệu hơn 60 năm

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông được thành lập năm 1958 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, với tên gọi ban đầu là Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông, trở thành 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam. Đến nay, sau hơn 60 năm tồn tại và phát triển, thương hiệu Rạng Đông đã được định vị trong lòng người tiêu dùng Việt.

Tháng 6/1994, được đổi tên thành Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng bóng đèn, phích nước và các sản phẩm thủy tinh.

Tháng 7/2004, Công ty chính thức chuyển thành Công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ngày 6/12/2006, RAL chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

 

Mức vốn điều lệ của công ty là 115 tỷ đồng, gần như là mức thấp nhất đối với các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nhưng RAL lại là doanh nghiệp hiệu quả hàng đầu với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân khoảng 20%. Năm 2018, chỉ số ROE của Công ty đạt 24,86%.

Từ năm 2012, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2013, doanh nghiệp xếp thứ 39/50 công ty niêm yết tốt nhất. Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp xấp xỉ 2.782 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 2.479 tỷ.

Trước khi xảy ra vụ cháy, Rạng Đông đang tăng trưởng ổn định hơn chục năm liền. Thậm chí không ngoa khi nói rằng RAL là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng vẫn giữ vững phong độ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ hàng Thái Lan và Trung Quốc nhập khẩu.

Riêng năm 2018, tổng doanh thu tiêu thụ đạt hơn 3.600 tỷ đồng, thu được 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; nộp ngân sách Nhà nước 330,3 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đầu người đạt 13,7 triệu đồng/tháng.

Còn theo báo cáo tài chính quý II/2019, doanh thu thuần của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong kỳ đạt 1.804 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng nhẹ hơn chỉ với 14%. Kết quả, lợi nhuận gộp của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đạt 554 tỷ đồng, tăng trưởng tới trên 38% so với nửa đầu năm 2018.

Trong kỳ này, hoạt động tài chính chỉ mang về 2,8 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm tới 39% trong khi chi phí tài chính tăng tới 16%, chủ yếu là chi phí lãi vay với 35,3 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 98% trong tổng chi phí tài chính. Doanh thu tài chính trong kỳ sụt giảm là do lãi tiền gửi, lãi cho vay của doanh nghiệp đã giảm từ mức 4 tỷ của cùng kỳ năm 2018 xuống còn 1,65 tỷ trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng trưởng 53% và 15% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng tăng do doanh nghiệp đã mạnh tay chi cho nhân công 10 tỷ và chi khuyến mại lên tăng tới 100 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết thúc nửa đầu năm, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông báo lãi 123 tỷ trước thuế và 96 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm 2018 doanh số của RAL chỉ tăng 6% thì việc doanh thu bán hàng tăng trưởng cũng cho thấy điểm sáng của một doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng Việt Nam trước tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tập trung vào phân khúc hàng chất lượng cao

Trước đám cháy lớn hồi tháng 8/2019, sở dĩ Rạng Đông vẫn dẫn đầu về năng lực sản xuất ngành thiết bị chiếu sáng và phích nước tại Việt Nam chính là nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc hàng chất lượng cao. Trung tâm nghiên cứu R&D được Công ty thành lập từ tháng 3/2011 đã phát huy hiệu quả khi xây dựng nền tảng công nghệ điện tử, phát triển sản phẩm LED cho Rạng Đông.

Doanh thu từ các mặt hàng chiếu sáng truyền thống của Rạng Đông cũng đã dần được thay thế bởi nguồn thu đến từ những sản phẩm mới sử dụng công nghệ LED.

Nếu như năm 2015 sản phẩm chiếu sáng truyền thống chiếm 58% tỷ trọng doanh thu toàn Công ty thì đến năm 2016 – 2017, tỷ trọng giảm còn 50% và 35%. Năm 2018, giảm còn 16% song tổng doanh thu toàn Công ty vẫn đạt tăng trưởng 10,7% nhờ sản phẩm LED tăng tỷ trọng từ 12% tổng doanh thu năm 2015 lên tới 61% năm 2018.

Năm 2018, thị phần đèn LED của RAL là khoảng hơn 10% tại thị trường trong nước. Mục tiêu mà ban lãnh đạo Công ty theo đuổi là nâng thị phần đèn LED của công ty lên 20-30%.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nếu như thị phần đèn LED nhập khẩu năm 2016 là 411 triệu đèn và sản phẩm của RAL chỉ 8,56 triệu chiếc, thì đến năm 2017, con số đã thay đổi tương ứng còn 260 triệu chiếc và 17 triệu chiếc.

Năm 2018, RAL bất ngờ tăng tốc với con số 32 triệu chiếc so với con số nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm còn 202 triệu chiếc. Điều này lại là một minh chứng rõ nét cho sự vươn lên của một thương hiệu Việt trước sự cạnh tranh khủng khiếp của các sản phẩm từ Trung Quốc vốn rất được ưa chuộng bởi mức giá rẻ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Rạng Đông vẫn phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bởi mức độ cạnh tranh trong ngành LED ở rất cao. Thống kê cho thấy có 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, trong đó có tới 20 công ty nước ngoài với thường hiệu toàn cầu như Phillip, Osram … và 3.600 doanh nghiệp nhỏ lắp ráp các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà phân tích lo ngại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các công ty nước ngoài như City Lighting, E-GM Tech bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất đèn từ Trung Quốc về Việt Nam. Còn các doanh nghiệp trong nước như Điện Quang thì không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng các hoạt động giảm giá bán nhằm duy trì khả năng cạnh tranh. Philips cũng không ngại hạ giá bán sản phẩm để cạnh tranh, quyết dành được thị phần tốt nhất.

Hiện tại, thuế nhập khẩu các sản phẩm đèn LED đang là 0%, do đó tính cạnh tranh trên thị trường càng khốc liệt. Trên 60% thị phần đèn LED Việt Nam hiện vẫn là các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Muốn vươn lên sau vụ cháy, RAL cần phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy khâu phân phối và mở rộng kênh xuất khẩu bên cạnh việc đầu tư thêm công nghệ nhằm cải tiến sản phẩm.

Đọc thêm