Sai phạm 'kép' tại một trường chuẩn Quốc gia ở Thái Bình

(PLO) - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Song theo tố cáo, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trường Lê Quý Đôn) không trực tiếp đứng lớp giảng dạy mà vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp.
Sai phạm 'kép' tại một trường chuẩn Quốc gia ở Thái Bình

Theo phản ánh của một số cán bộ, giáo viên nhà trường thì ông Vũ Minh Thuật - Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn mặc dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp là trái với các quy định hiện hành. Theo số liệu tháng 2/2016, ông Thuật được hưởng phụ cấp đứng lớp là 2.148.700 đồng.

Căn cứ theo Quyết định số 224/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã…

Ngoài ra, tại điểm c khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg cũng nói rõ: Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền mới được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Thông tư 49/TT-GD (sau này được thay thế bằng Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT) quy định chế độ công tác của giáo viên trường phổ thông cũng đều nhấn mạnh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cụ thể, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, Trường Lê Quý Đôn vẫn phớt lờ các quy định trên.

Cũng theo phản ánh của học sinh, phụ huynh, trong năm học 2015-2016, Trường đã tổ chức thi khảo sát lớp chọn cho 16 lớp của 2 khối 10 và 11 với 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ và để được tham dự lần thi này mỗi em học sinh phải đóng cho Trường 30.000đ/môn. Số tiền dự thi này, học sinh sẽ nộp trực tiếp cho thủ quỹ và kế toán của trường. Thu tiền như vậy, theo tố cáo, là sai quy định.

Phóng viên đã có buổi làm việc với Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc xung quanh những “lùm xùm” tại Trường Lê Quý Đôn. Ông Bắc cho biết, những năm trước đây Trường Lê Quý Đôn luôn khẳng định vị trí số một, nhưng “đã từ khá lâu rồi Trường này không còn ở vị trí số 1 một nữa. Chính vì thế, trong những năm qua, Sở GD&ĐT Thái Bình luôn trăn trở với Trường Lê Quý Đôn, chúng tôi phải làm công tác tổ chức đến đồng chí hiệu trưởng là đồng chí thứ ba”.

Liên quan đến vấn đề Trường Lê Quý Đôn tổ chức thi khảo sát lớp chọn cho 2 khối 10 và khối 11 với 3 môn thi, ông Bắc khẳng định: Nếu sự thật đúng như nội dung những người tố cáo phản ánh thì Trường Lê Quý Đôn đã làm trái với quy định của Nhà nước. Vì hiện tại trong các trường không có lớp chọn nữa mà chỉ có lớp phân ban. “Việc thi khảo sát lớp chọn đã sai, việc thu tiền càng sai hơn. Chúng tôi nghiêm cấm việc này”, ông Bắc cho biết.

Về những sai phạm trong việc tổ chức dạy cũng như tổ chức thi nghề, ông Bắc cho biết: Sở đã thành lập Tổ thanh tra để tìm hiểu sự việc. Đoàn đang tổ chức thu thập những chứng cứ xác đáng về việc thi nghề và sớm có kết luận. “Cùng với đó, Đảng ủy Sở GD&ĐT sẽ có một Nghị quyết chuyên đề riêng đối với Trường Lê Quý Đôn.

Tháng 7, Đảng ủy sẽ họp và ra Nghị quyết, sau đó đến tháng 8 sẽ thực hiện Nghị quyết và có những xử lý rõ ràng tại Trường Lê Quý Đôn. Với trách nhiệm quản lý trực tiếp thì Sở sẽ có những động thái ghi nhận những ai làm được, những ai chưa làm được và những ai không đóng góp được gì mà chỉ tạo ra cái nọ, cái kia sẽ phải luân chuyển”, ông Bắc nhấn mạnh.

Đọc thêm