Sản phẩm công nghệ cao xung trận chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 4/2020, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Học viện Kỹ thuật quân sự được giao khẩn trương triển khai đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao”.
Hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT.
Hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT.

Sản phẩm chính của đề tài là hệ thống robot y tế vận chuyển (VIBOT) có chức năng thay thế nhân viên y tế vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh; vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y, bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Ở giai đoạn 1, đề tài được yêu cầu trong một tháng phải thiết kế, chế tạo được hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT-1 gồm trung tâm giám sát điều khiển và robot di chuyển theo đường dẫn có từ tính nhằm hỗ trợ hoặc thay thế một phần nhân viên y tế và tạp vụ trong không gian hạn chế có nguy cơ lây nhiễm cao. Sau hai tuần thực hiện, VIBOT-1 đã được chế tạo, lắp đặt và triển khai tại Bệnh viện (BV) Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Với phiên bản VIBOT-2 (gồm 5 robot và một trung tâm giám sát), đã có nhiều tính năng thông minh hơn như khả năng tự xây dựng bản đồ, tự định vị và thiết lập lộ trình hoạt động, di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào; phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các vật cản dù là cố định hay di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; các robot có thể phối hợp khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn…

Phiên bản VIBOT-2 còn có thể điều khiển từ thiết bị cầm tay có kết nối wifi (máy tính bảng, điện thoại…) hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình robot; dễ dang mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot hoạt động theo nhóm.

Tháng 4/2021, VIBOT-2 được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại BV 108. Cuối tháng 4/2021, VIBOT-2 được triển khai tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của BV Bạch Mai cơ sở 2 (Phủ Lý, Hà Nam), phục vụ hơn 150 (có thời điểm gần 200) bệnh nhân.

Qua quá trình sử dụng, VIBOT-2 được nhận xét rất phù hợp để hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, vật dụng trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cuối tháng 5/2021, trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Bắc Giang, Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) nhanh chóng thiết lập bổ sung một trung tâm giám sát, điều khiển và rút 2 robot đang chạy thử nghiệm kỹ thuật tại BV 108 về l khu vực điều trị bệnh nhân của BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Tại đây, từ 1/6 đến đầu tháng 7/2021, hệ thống VIBOT-2 đã hỗ trợ điều trị hàng trăm bệnh nhân, góp phần giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly.

Cuối tháng 7/2021, Học viện KTQS chủ động xin ý kiến rút hệ thống VIBOT-2 đang triển khai tại BV Bạch Mai về để hỗ trợ phòng chống dịch tại phía Nam. Đầu tháng 8/2021, VIBOT-2 được triển khai tại BV dã chiến số 7 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM), tiếp tục cho thấy khả năng hoạt động trơn tru, thể hiện được hết các chức năng thiết kế và mục tiêu đặt ra như vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và ngược lại.

Nhận xét về hệ thống VIBOT-2, một bác sĩ cho biết, trước đây, khi chưa có robot hỗ trợ, mỗi ngày một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6-7 người sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng của BV. Nay mỗi robot sẽ phụ trách 4-5 tầng, hoạt động liên tục trong khoảng 1 giờ đồng hồ là có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh.

Thực tế trên là tiền đề để đơn vị nghiên cứu có thể gấp rút hoàn thiện, tiến tới đưa vào sản xuất hàng loạt thiết bị tương tự phục vụ công tác phòng chống dịch.

Thời gian qua, nhiều sáng tạo trong phương pháp phòng chống dịch của các tổ chức, đơn vị cũng đã được ghi nhận. Như Quân chủng Phòng không Không quân điều động 2 trạm sản xuất oxy lưu động từ E937 (F370) và E925 (F372) đến BV 175, cung cấp oxy y tế cho các BV TP HCM (đây là những thiết bị máy móc tạo oxy cho lực lượng phi công chiến đấu và máy bay).

Mỗi trạm có công suất 40-60 bình 40 lít mỗi ngày, có khả năng cơ động cao. Oxy được sản xuất theo công nghệ PSA, tạo ra sản phẩm oxy tinh khiết đạt tỷ lệ 99,5% theo thiết kế. Song song với vận hành trạm lưu động, Quân chủng vẫn sản xuất oxy tại Nhà máy A41. Bình thường những bình oxy này sẽ được dùng trên máy bay cho phi công và các trang thiết bị sử dụng oxy khác của quân đội.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Bách khoa Hà Nội và một DN cũng đã nghiên cứu thử nghiệm trạm cung cấp oxy di động (mỗi trạm cho một khu hồi sức 20 giường bệnh hoặc từ 60-70 bệnh nhân thở oxy thường) tại Bình Dương và Đồng Nai.

Hệ thống có tên Nonao2-Mobile System, có thể tạo oxy và khí nén y tế công suất 18 Nm3/h, với nồng độ lên tới 95%. Sản phẩm được thiết kế theo nguyên lý nén không khí với áp suất cao; khí ni tơ giữ lại trong mao quản vật liệu hấp phụ; sản phẩm thu được là oxy. Không khí khi đi qua hệ thống này sẽ được tách nitơ, oxy, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nồng độ oxy sử dụng trong y tế.

PGS.TS Vũ Đình Tiến, Viện phó Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, giải pháp của nhóm là cung cấp trực tiếp oxy từ khí trời để giúp BV dã chiến chủ động nguồn oxy cho bệnh nhân. Các BV dã chiến và điều trị bệnh nhân COVID-19 cần khí nén y tế để trộn với oxy, tạo nồng độ oxy theo yêu cầu của bác sĩ. Tùy thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định nồng độ và lưu lượng oxy phù hợp. Nhóm đã tính toán để mỗi hệ thống có thể cung cấp oxy nồng độ và khí nén y tế đủ cho một trạm hồi sức dã chiến 20 giường hoặc khoảng 70 bệnh nhân thở oxy thường. Nếu hiệu quả, sản phẩm sẽ được kiến nghị cơ quan chức năng nhân rộng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm