Sàn thương mại điện tử 'vào cuộc' giải cứu nông sản Hải Dương

(PLVN) - Hai sàn thương mại điện tử của 2 tổng công ty bưu chính lớn nhất cả nước đã cùng vào cuộc giải cứu nông sản cho Hải Dương. Dù chỉ là giải pháp tức thời nhưng đây sẽ được coi là một kênh tiêu thụ để có thể sớm chấm dứt hiện tượng “được mùa mất giá” và phụ thuộc vào thương lái như hiện nay…
Chuyên trang tiêu thụ riêng nông sản Hải Dương ở voso.vn

Nhiều kênh tham gia giải cứu

Rất nhiều phương án giải cứu nông sản Hải Dương đã được thực hiện. Hàng loạt chuyến xe giải cứu mỗi ngày với số lượng vài tấn/xe do nhiều cá nhân thực hiện kêu gọi và bán thông qua mạng xã hội đã góp phần giúp tiêu thụ nông sản Hải Dương đang vào vụ thu hoạch.

Các siêu thị cũng đã vào cuộc giải cứu với hàng trăm tấn nông sản tiêu thụ mỗi tuần. Nông sản Hải Dương cũng đã đi cả nghìn cây số để vào miền Trung, miền Nam. Thậm chí, ổi Thanh Hà cũng đã… lên máy bay để vào Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong một chiến dịch giải cứu lớn. 

Sau những chiến dịch giải cứu tự phát và khá hiệu quả của các cá nhân trên mạng xã hội, 2 tổng công ty lớn bưu chính lớn nhất nước cũng đã chính thức vào cuộc. Tổng công ty bưu chính Viettel (Viettel Post) có thông báo cho biết  đã quyết định cùng trang thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ sò (voso.vn) thực hiện chương trình “Cùng nông dân Hải Dương chuyển đổi số thoát cảnh giải cứu”. 

Nông sản Hải Dương đang được sàn này ưu tiên cao nhất với việc xuất hiện một cách hút khách hàng nhất (khi truy cập vào trang này, banner này xuất hiện ngay lập tức). Voso sẽ không bán hàng hộ người nông dân mà hướng dẫn người nông dân sử dụng trang TMĐT này để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng (NTD).

Gian hàng của chính các hộ nông dân Hải Dương trên voso.vn đã cung cấp 5 loại nông sản đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP hoặc VietGap, bao gồm trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải và su hào. 

Mở thêm kênh tiêu thụ ổn định sau “mùa giải cứu”

Đại diện Viettel Post cho biết, sau khi bà con nông dân “đẩy” sản phẩm lên voso.vn, Viettel Post sẽ gom tất cả các đơn hàng ghép thành 1 chuyến, vận chuyển theo lô, giao tới tận tay NTD. Trước mắt, để nhanh chóng hỗ trợ bà con Hải Dương, Viettel Post sẽ sử dụng tính năng mua chung và Vỏ sò sẽ như một “nhà cung cấp” để phân phối đến NTD với mức phí rất thấp (11.000 đồng/đơn hàng dưới 30kg đến bất cứ địa điểm nào trên toàn quốc trong suốt tháng 3). 

Viettel Post cũng khẳng định sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, không đưa đến tay NTD những nông sản được trồng sai quy cách và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào kế hoạch giúp đỡ nông sản Việt thoát cảnh “giải cứu” không chỉ trong mùa dịch mà sẽ mang lại những lợi ích cho cả người mua và chính các nhà bán hàng, có thể sớm chấm dứt hiện tượng “được mùa mất giá” và phụ thuộc vào các thương lái như hiện nay. 

Trước đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) cũng đã chính thức xây dựng chuyên trang nông sản Hải Dương trên sàn TMĐT postmart.vn để  chung tay cùng nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản. Đơn vị này đã tổ chức khảo sát, làm việc với các nhà cung cấp đảm bảo chất lượng, quy cách đóng gói sản phẩm và đặc biệt vận chuyển miễn, giảm phí đến tay NTD trên toàn quốc.

Đại diện sàn này khẳng định, Postmart.vn là công cụ hữu hiệu để kết nối nhà sản xuất với NTD, tạo uy tín, thương hiệu cho nông sản, đặc sản không chỉ của Hải Dương mà còn hỗ trợ nhiều hộ nông dân, các hợp tác xã, các mô hình khởi nghiệp của thanh niên nông thôn trên toàn quốc tiếp cận, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới góp phần hoàn thành các mục tiêu quốc gia.

Đây là lần đầu tiên các sàn TMĐT tham gia giải cứu nông sản và việc thực hiện giải cứu nông sản được thực hiện khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, giúp người nông dân bán trực tiếp và vận chuyển đến tận tay NTD với chi phí vận chuyển rất thấp, thậm chí 0 đồng. 

Với mạng lưới rộng khắp cả nước, các đơn vị này tin rằng, sàn TMĐT sẽ giúp tiêu thụ nông sản Hải Dương với số lượng lớn, giảm thiểu thiệt hại cho bà con trong mùa vụ 2021 cũng như mở ra một kênh tiêu thụ mới để bà con có thể chủ động trong các mùa vụ sau.

Đọc thêm