Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây trà. Trà được trồng tại đây mang nhiều nguồn gen quý hiếm, hương vị trà đặc trưng không nơi nào có được.
Đặc biệt, Suối Giàng là nơi có khoảng hơn 40.000 cây trà Shan tuyết có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Trong đó, có hơn 400 cây đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Trà Shan tuyết là loại cây mang nhiều giá trị về văn hóa, kinh tế của Yên Bái. |
Ông Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, ngoài việc bảo tồn trà Shan tuyết cổ, huyện Văn Chấn đã xây dựng vườn ươm, nhân giống và trồng mới trên 100 ha mỗi năm để bảo đảm gìn giữ và phát huy nguồn gen quý của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn người dân về cách trồng, chăm sóc, thu hái trà Shan theo quy trình sạch, hữu cơ đã và đang mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc vùng cao trong huyện.
Trà Shan tuyết tại Yên Bái có gần 500 ha, loại cây này là nguồn thu nhập chính và gắn liền với đời sống bao đời nay của đồng bào dân tộc Mông.
Người dân đã được tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, toàn bộ quá trình cải tạo và trồng mới cây trà được dùng chế phẩm sinh học để chống mối, mọt, nấm gây hại. Nhờ quy hoạch khoa học, trà Shan hiện tại cho thời gian thu hoạch khá dài, năng suất trung bình đạt 12 tấn/ha.
Trà được trồng trên những ngọn núi cao, quanh năm tắm gió, uống sương nên cho ra những búp trà tươi, chất lượng hảo hạng, mang tinh túy của đất trời.
Trà Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Không chỉ thu hoạch mà khâu chế biến chè Shan Tuyết ở Suối Giàng cũng được làm thủ công. Sau khi chọn lọc kỹ càng, trà được đưa vào chảo để sao khô.
Ngoài việc chú ý đến củi và lửa thì người sao phải khéo léo để không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè khi đảo. Trà Shan Tuyết sao đạt chuẩn phải săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng và mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.
Trong tiết trời se lạnh vào thu, thưởng thức một tách trà nóng Shan Tuyết là thú vui tao nhã của nhiều người. |
Trà Shan tuyết tại Suối Giàng nhận được nhiều danh hiệu uy tín: Năm 2006, trà Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Trà Việt Nam vinh danh "Thương hiệu trà Việt”, năm 2016 được bình chọn là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Cây trà Shan tuyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Suối Giàng Văn Chấn” cho sản phẩm trà Shan tuyết từ cuối năm 2022. Trong đó, có nhiều sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.
Suối Giàng sở hữu nhiều cây trà quý. |
Lễ hội Trà Shan tuyết "Tinh hoa giữa ngàn mây" huyện Văn Chấn (Yên Bái) lần thứ Nhất năm 2023 diễn ra dịp cuối tháng 9 để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.
Để bảo tồn diện tích trà Shan tuyết, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương gắn biển có đánh số thứ tự, ghi thông tin, lập sổ theo dõi, lập sơ đồ số hóa, đồng thời gắn biển chỉ dẫn tại các khu tập trung nhằm hướng dẫn, quảng bá vùng trà Shan tuyết cổ thụ.
Tỉnh Yên Bái cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm hành vi chặt hạ, khai thác trà cổ thụ. Trong thời gian tới, Yên Bái từng bước phấn đấu xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu độc quyền trà Shan tuyết.
Cách bảo quản trà shan tuyết đúng cách: Cất giữ trà Shan tuyết cổ thụ trong môi trường khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt để trà không bị ẩm mốc.
Bảo quản trà tránh xa các loại mùi mạnh khác xung quanh, vì trà shan tuyết rất dễ hấp thụ các mùi hương, nhất là những nơi để gia vị nấu ăn, nhà bếp.
Tránh xa ánh nắng mặt trời, nhiệt độ mặt trời chiếu vào làm thay đổi vị ngon vốn có của trà shan tuyết.
Đựng trà vào hũ thủy tinh hoặc hộp chuyên dụng dành cho trà. Đậy nắp kín sau khi sử dụng và không bỏ vật dụng nào khác như muỗng hoặc cây xúc trà chung trong hộp đựng trà.
Các bước pha trà shan tuyết ngon:
1. Chuẩn bị: ấm chén, dụng cụ pha trà liên quan (nếu có): chuyên (tống), lọc trà, xúc trà.
2. Tráng dụng cụ: Dùng nước sôi 100 độ C tráng qua ấm chén nhằm làm sạch và làm ấm ấm trà trước khi pha giúp trà dậy hương tốt hơn.
3. Tráng trà: Cho 10gr trà vào ấm. Dùng nước sôi 90 độ C đổ vào ấm và tráng sơ qua, giúp loại bỏ bụi bẩn và đánh thức cánh trà thoát hương tốt hơn.
4. Ngâm trà: Đổ tiếp nước sôi nhiệt độ 90 độ C vào ấm và đập nắp lại ủ trà 20 đến 25 giây.
5. Thưởng thức: Rót trà ra chuyên qua chiếc lọc trà để loại bỏ cặn, sau đó rót ra chén nhỏ và thưởng thức. Lập lại bước 4 nếu uống nhiều lần.