Sau 24/4, chủ thuê bao di động chưa bổ sung thông tin có bị cắt liên lạc?

(PLO) - Sau ngày 24/4/2018, thuê bao không đến bổ sung thông tin theo thông báo từ nhà mạng sẽ chưa bị cắt một chiều ngay, mà nhà mạng sẽ thực hiện quy trình thông báo và thời gian chờ (15 ngày) theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP rồi mới tạm dừng cung cấp dịch vụ.
Khách hàng bổ sung thông tin thuê bao tại Phòng giao dịch của VinaPhone
Khách hàng bổ sung thông tin thuê bao tại Phòng giao dịch của VinaPhone

Chưa dừng dịch vụ vào ngày 24/4

Thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định có hiệu lực pháp luật - 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. 

Như vậy, ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này. 

Cũng tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, điểm e khoản 8 Điều 1 quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện). Cụ thể, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao. 

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. 

Doanh nghiệp viễn thông tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Doanh nghiệp viễn thông thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.

Ai sẽ bị khóa dịch vụ?

Như vậy, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải chịu  trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình không tuân thủ đúng quy định.

Đồng thời, cũng không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình như đã mô tả trên đây. 

Trường hợp, thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.