Sau phán quyết Biển Đông: Hình ảnh Trung Quốc tại Nhật thêm tiêu cực

(PLO) - Cách hành xử của Trung Quốc (TQ) sau phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng được cho là càng khiến hình ảnh TQ trong mắt người Nhật thêm tệ hơn.
Người Nhật biểu tình phản đối Trung Quốc ở Tokyo

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết theo đó kết luận rằng TQ không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Phán quyết này mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, TQ từ chối tham gia phiên tòa cũng như chấp nhận phán quyết của Tòa. 

Song, quyết định của Tòa Trọng tài và phản ứng của TQ đã và đang có những tác động vượt khỏi vùng Biển Đông. Theo tờ The Diplomat, dù phiên tòa trọng tài là giữa Philippines và TQ nhưng nó có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản. Bởi, Nhật Bản có lợi ích đa chiều ở Biển Đông. Là một nước có giao thương rộng và phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tự do hàng hải ở các tuyến đường biển, trong đó có Biển Đông, là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh của Nhật. 

Bên cạnh đó, phán quyết càng khiến hình ảnh một TQ không tuân thủ luật pháp quốc tế trong con mắt người Nhật thêm rõ ràng. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa TQ và Nhật Bản là rất lớn và không mới. Theo một thăm dò dư luận do hãng Genro thực hiện tháng 10/2015, gần 9 trong 10 người Nhật có cái nhìn không thiện cảm với TQ.

Việc TQ không tuân thủ các quy định và quy tắc quốc tế là một trong những yếu tố lớn đưa đến hình ảnh tiêu cực này. Việc TQ quyết định bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài dù đã ký và phê chuẩn UNCLOS lần này càng củng cố quan điểm của người Nhật rằng TQ chỉ sử dụng luật pháp quốc tế khi những quy định này phục vụ cho lợi ích của người TQ. 

Ngoài ra, phán quyết này cũng có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý mà TQ cũng có yêu sách chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Theo các nhà phân tích tại Nhật Bản, Nhật Bản dường như đã chuẩn bị tiến hành đệ đơn kiện ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) nếu TQ đồng ý đưa tranh chấp giữa 2 nước ra tòa này.

Nhưng phản ứng của TQ với phán quyết trọng tài trong vấn đề Biển Đông đang củng cố quan điểm rằng không có cơ sở để tin tưởng rằng TQ sẽ chấp nhận phán quyết nếu phán quyết này đi ngược lại lợi ích của TQ. Đó là còn chưa kể đến việc TQ nhiều khả năng sẽ không đồng ý tiến hành vụ kiện. Do đó, phán quyết của Tòa Trọng tài đã loại trừ những hy vọng về việc tìm kiếm được một giải pháp cho vấn đề Senkaku qua ICJ.

Có một điểm đáng chú ý là khi ngày ra phán quyết đã cận kề, TQ cũng phản đối việc lựa chọn 3 trong 5 thẩm phán của phiên xử trọng tài. Cụ thể, TQ cho rằng việc đưa ông Shunji Yanai – một người Nhật, khi đó đang là Chủ tịch Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) – vào ban thẩm phán của phiên xử là “thiên vị”. Việc TQ sẵn sàng sử dụng yếu tố Nhật Bản để bác bỏ phán quyết trọng tài khiến nhiều người Nhật nổi giận. 

“Quan chức các nước cần phát biểu phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia mình”

Đây là bình luận của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước thông tin Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân TQ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển. 

Theo ông Bình, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. “Tôi cho rằng các quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới” – ông Bình nói.

Đọc thêm