Sẽ có dịch vụ hòa giải

Sáng qua (27/12), Ban soạn thảo Luật Hòa giải cơ sở (HGCS) họp phiên đầu tiên, xem xét những nội dung chủ yếu trong dự án Luật, đặc biệt xem xét để xây dựng được cơ chế đưa HGCS lên thành hòa giải mọi mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại địa phương, trừ các vi phạm hành chính, hình sự và lao động.

Sáng qua (27/12), Ban soạn thảo Luật Hòa giải cơ sở (HGCS) họp phiên đầu tiên, xem xét những nội dung chủ yếu trong dự án Luật, đặc biệt xem xét để xây dựng được cơ chế đưa HGCS lên thành hòa giải mọi mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại địa phương, trừ các vi phạm hành chính, hình sự và lao động.

Hội thi Hòa giải viên giỏi quận 1, TP.Hồ Chí Minh năm 2010.

Hòa giải không chỉ dành riêng cho “các tranh chấp nhỏ”

Ông Nguyễn Duy Lãm (Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp) cho biết, trong thời gian qua, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện ở cơ sở ngày càng có xu hướng gia tăng, có nhiều vụ việc đơn giản nhưng không được giải quyết kịp thời, thấu đáo dẫn đến khiếu kiện vượt cấp ngày càng phức tạp. Số vụ việc, phát sinh từ những mâu thuẫn nhỏ phải nhờ đến Tòa án (TA) giải quyết cũng gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải cho TA, làm giảm chất lượng của công tác xét xử.

Nguyên nhân có thể được kể đến là do công tác hòa giải chỉ được nhìn nhận như một sinh hoạt mang tính nội bộ trong cộng đồng dân cư mà chưa thực sự trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế những tranh chấp phải đưa ra giải quyết tại TA hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do vậy, công tác hòa giải cần phải được xây dựng như một cơ chế để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc mọi lĩnh vực phát sinh tại địa bàn, không kể qui mô vụ việc, trừ các vụ việc phải xử lý hành chính, hình sự và lao động, chứ không phải là cơ chế chỉ dành riêng để “giải quyết các tranh chấp nhỏ”.

Nhận thấy mẫu thuẫn nhỏ xảy ra hàng ngày hàng giờ, dù đã có nhiều văn bản qui định về hòa giải nhưng hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả mà mới chỉ mang tính vận động trong nhân dân, nên ông Đặng Xuân Toan (Phó Tổng thư Hội Luật gia VN) và các thành viên Ban soạn thảo đều tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật HGCS.

Xây dựng cơ chế để có “dịch vụ” hòa giải

Với quan điểm xã hội hóa hoạt động HGCS nhằm thu hút được những nguồn lực của xã hội, Tổ biên tập dự án Luật đề xuất “thành lập trung tâm hòa giải cộng đồng để cung cấp “dịch vụ” hòa giải cho những người có nhu cầu, đặc biệt là để giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp có tính chất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về pháp luật”.

Dẫn ví dụ về các mô hình hòa giải phổ biển trên thế giới, bà Lê Hồng Thanh (Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp) nhất trí với việc phát triển hòa giải kết nối TA, hòa giải tư nhân (cung cấp dịch vụ hòa giải) và hòa giải tại cộng đồng. Hiện Việt Nam chưa quan tâm đến hòa giải tại TA nên mô hình này “cũng đang có vấn đề” như tính chuyên nghiệp của thẩm phán khi làm công tác hòa giải, chưa được huy động chuyên gia bên ngoài, không đảm bảo tính khách quan khi thẩm phán hòa giải không thành lại là chủ tọa giải quyết vụ việc tại phiên tòa…

Bà Thanh nhấn mạnh đến mô hình hòa giải tại TA và hòa giải kết nối với TA để xã hội hóa hình thức hòa giải, giảm gánh nặng cho TA trong giải quyết tranh chấp và tạo điều kiện cho trung tâm hòa giải tư nhân phát triển, hình thành thị trường “cung cấp dịch vụ hòa giải”…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo: “Xây dựng Luật HGCS để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bền vững cho công tác HGCS và tiệm cận với xu hướng chung là góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, giảm tải công việc cho TA, giảm tốn kém cho đương sự, Nhà nước.

Thực hiện xã hội hóa thực sự hiệu quả với việc quan tâm đến các biện pháp bảo đảm cho hoạt động HGCS, chế độ cho hòa giải viên vì không có “đố ai làm được”, xem xét khả năng phát triển tổ chức hòa giải dưới cấp xã (ở một cộng đồng dân cư), tạo sự liên thông để khẳng định hiệu quả, hiệu lực của hoạt động hòa giải, nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên...

Nhà nước cũng không thể “buông” công tác này nên cần quan tâm cả đến vai trò quản lý nhà nước”.

Hương Giang

Đọc thêm