Dự thảo Luật Hộ tịch được trình ra Kỳ họp Quốc hội thứ 7 lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Chồng chéo vì cả ba cấp chính quyền đều có thẩm quyền đăng ký
Ở nước ta, vấn đề đăng ký và quản lý hộ tịch có lịch sử từ thời nhà Trần và luôn được coi trọng, duy trì. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: chất lượng công tác đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn nhiều sai sót, có việc gây bức xúc, nhất là tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân...
Theo nhận định của Chính phủ, thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch. Trước hết, đăng ký, quản lý hộ tịch là hoạt động quan trọng nhưng lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh về lĩnh vực này. Thứ hai, quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp quản lý, đăng ký hộ tịch còn nhiều bất cập. Hiện nay, cả ba cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch dẫn đến chồng chéo, không rõ ràng giữa chức năng quản lý và đăng ký hộ tịch.
Thực tế công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian qua cho thấy trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch theo pháp luật hiện hành còn rườm rà, bất cập, nhiều quy định còn thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước hơn là tạo thuận lợi cho người dân; việc tồn tại nhiều loại sổ sách, giấy tờ về hộ tịch đã gây bất lợi, tạo nhiều áp lực cho cả cơ quan nhà nước và người dân trong việc lưu giữ, bảo quản, sử dụng.
Luật hóa các quy định ưu việt, bổ sung nhiều nội dung mới
Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế, Dự thảo Luật Hộ tịch quy định các vấn đề về hộ tịch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân như nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch....
Dự thảo Luật chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.
Về nội dung đăng ký hộ tịch, Dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi v.v...; ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; đồng thời có quy định “mở” nhằm đón trước các việc khác liên quan đến hộ tịch có thể phát sinh do sửa đổi, bổ sung các luật liên quan quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình.
Về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, với vai trò của Số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, Dự thảo Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua trực tuyến.
Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, Dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Ngoài việc xuất trình Thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Về việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, Dự thảo Luật không quy định về khái niệm, nội hàm, giá trị của số định danh cá nhân (là vấn đề được quy định trong Luật Căn cước công dân), mà quy định khi đăng ký khai sinh, công chức tư pháp - hộ tịch cập nhật nội dung đăng ký khai sinh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để lấy số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân được ghi vào Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh.
Cùng với việc quy định Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu ngành, được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, Dự thảo Luật quy định Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng nhằm lưu giữ, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, được kết nối, tích hợp để cung cấp thông tin hộ tịch đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến và là căn cứ để cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân; thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phải phù hợp với thông tin trong Sổ hộ tịch.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định cụ thể về tiêu chuẩn công chức tư pháp - hộ tịch, về miễn lệ phí đăng ký hộ tịch, về việc giao tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài... nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân. Dự kiến, ngày 19/6 Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật này.