“Siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành xin giảm án để khắc phục hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại tòa, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận các hành vi như bản án sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo này mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình, để bị cáo có cơ hội khắc phục hậu quả.
Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo tại tòa.
Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo tại tòa.

Ngày 26/3, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á.

Phiên tòa được mở theo kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của 3 ngân hàng là bị hại trong vụ án gồm PVCombank, NCB và Việt Á.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận các hành vi phạm tội như trước đó đã bị quy kết. Theo lời bị cáo Thành, quá trình bị tạm giữ, bị cáo rất ăn năn, hối hận. Sau đó, nữ bị cáo này mong tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Bởi theo lời Thành, gia đình bị cáo hoàn cảnh, bị cáo là mẹ đơn thân nuôi 3 con trong đó có một con bị u não. Bản thân bị cáo bị bệnh (viêm hạch lao, sỏi thận, hạch ở gan bàn chân…), gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, Thành nói, mục đích xin giảm án nhằm có cơ hội để khắc phục hậu quả cho các bị hại để từ đó có tình tiết giảm nhẹ mức án.

Khai báo tại Tòa, Hà Thành cho biết bị cáo hiện có 2 nguồn tiền với tổng số 85 tỷ đồng. Hà Thành mong muốn sẽ được thừa nhận để thi hành án. Tài sản này gồm 26% cổ phần tại công ty MHD trị giá 75 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Hà Thành chuyển cho bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Cty Jeongho Landmark) đứng ra giao dịch, mua cổ phiếu của MHD.

Khoản tiền thứ hai là 10 tỷ đồng Nguyễn Thị Hà Thành chuyển cho bà Nguyễn Thị Thủy để bà Thủy mua cổ phần của MHD giúp mình. Hà Thành đề nghị HĐXX truy thu cho mình để làm tài sản thi hành án.

Trước lời khai trên, HĐXX đã hỏi ý kiến đại diện của Ngân hàng Việt Á. Theo đại diện của Việt Á, hiện tại số cổ phần này đứng tên bị án Nguyễn Thanh Tùng, nếu như HĐXX làm rõ đây là tài sản của Hà Thành thì sẽ chấp nhận khấu trừ cho Hà Thành.

Theo luật sư của bị cáo Thành, số cổ phần này vẫn do Nguyễn Thị Hà Thành sở hữu. Thành thực hiện giao dịch dân sự bảo đảm và đồng ý cho Việt Á quản lý số tiền này với mục đích, khi thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ khấu trừ số tiền này. Luật sư đề nghị Ngân hàng Việt Á có ý kiến với đề nghị của Thành. Và theo lời luật sư của Hà Thành, số tiền Thành đầu tư hiện có giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài hai khoản tiền nêu trên, Nguyễn Thị Hà Thành cũng đề nghị HĐXX truy thu số tiền gần 42 tỷ đồng chênh lệch mà anh Triệu Đình Hoan đã thu của bị cáo vượt so với lãi suất quy định.

“Bị cáo đề nghị HĐXX định giá lại khoản đầu tư này (26% cổ phiếu tại MHD) để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Toàn bộ quá trình mua cổ phần MHD, anh Tùng đứng ra thay bị cáo thực hiện giao dịch giúp”, bị cáo Hà Thành nói.

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Nguyễn Thị Hà Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân. Do không có tài sản đảm bảo nên Hà Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh… Sau đó, Thành rút tiền ra để sử dụng cá nhân.

Giúp sức cho “siêu lừa” là nhiều cựu cán bộ của ngân hàng NCB, VAB, PVCombank. Họ đã đã “tiếp tay” cho Hà Thành giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Hà Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng; PVCombank là 49,4 tỷ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt, bà Thành sử dụng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ làm rõ được khoản tiền 10 tỷ đồng bà Thành mua cổ phần.

Với hành vi nêu trên, Nguyễn Thị Hà Thành bị cấp sơ thẩm tuyên tù chung thân. Các bị cáo còn lại là các cựu cán bộ ngân hàng bị tuyên mức án từ 5 năm đến 18 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.

Bị cáo chính Nguyễn Thị Hà Thành cùng 12 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ba ngân hàng là bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị xem xét phần dân sự.

Ngoài ra, 4 cá nhân gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trên không được tòa sơ thẩm tuyên trả lại các sổ tiết kiệm có giá trị hàng trăm tỉ đồng cũng có đơn kháng cáo về phần dân sự./.

Đọc thêm