Số liệu xấu và đẹp

(PLVN) - 5 tháng qua, hơn 42,5 ngàn công nhân tại TP HCM bị mất việc hoặc ngừng việc, 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể, 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương công nhân...

Đó là số liệu thống kê từ Sở LĐTB&XH TP, công bố trong cuộc họp ngày 10/6/2021. 42,5 ngàn lao động không còn công việc, phía sau đó có thể là 42,5 ngàn gia đình sẽ không biết “đi đâu về đâu”.

“Đầu tàu” kinh tế đã như vậy, tình hình ở một số địa phương khác cũng tương tự. Trước đó một ngày, tại tọa đàm tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm (phục vụ việc thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế sẽ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất cuối tháng 7/2021), những số liệu xấu cũng được đưa ra.

Theo đó, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này “đánh” vào các khu công nghiệp, những nơi chủ chốt tạo ra hàng hóa xuất khẩu, nguồn thu ngân sách cho nền kinh tế. Dịch khiến các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh tê liệt. Đây là hai tỉnh chiếm tới 10% vốn FDI, 5% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Tác động của đợt dịch tới hai địa bàn công nghiệp trọng điểm này rất lớn, sẽ rất khó khăn và mất ít nhất hai tháng, hoạt động của các khu công nghiệp tại đây mới có thể trở lại. Dự đoán thời gian tới, Việt Nam có thể trở lại tình trạng nhập siêu. 640.000 công nhân ở các khu công nghiệp của hai tỉnh sẽ đối mặt không ít khó khăn.

Trên cả nước, 5 tháng vừa qua, số DN ngừng hoạt động, đang chờ làm thủ tục giải thể tăng 20,7%, số DN ngừng kinh doanh tăng 23%. “Số lượng đó tăng càng ngày càng cao, tức là một năm qua, các DN đã cố gắng “đu xà”, tưởng là đến giai đoạn này là xong nhưng dịch lại bùng phát và nếu thêm vài đợt nữa thì mỏi lắm, buông tay. Con số này cho thấy những DN yếu đã buông hết rồi, giờ còn những DN khỏe hơn vẫn cố; nhưng nếu chỉ 3 tháng nữa hoặc một vài đợt dịch nữa mà không kiểm soát tốt thì buông hết”, một chuyên gia nhận định.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay: “Có một nhận định chung là sức khỏe của DN đang yếu. Họ bị Covid-19 “đánh” cho tan hoang, mất nửa phổi rồi thì không thở tiếp được”.

Dịch bệnh khiến DN khó khăn sẽ tác động tới nợ xấu. Theo nhiều ý kiến, trong tổng số nợ 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, cần trích lập dự phòng rủi ro 30% là con số “khủng”. Nhà nước sẽ có thể phải dành ngân sách cỡ 60.000 tỷ đồng để bù đắp, hỗ trợ khoanh nợ; chứ không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại “gánh”.

Thế nhưng chỉ cách đây ít ngày, một số ngân hàng đã đưa ra những con số “đẹp” về mình, dự báo lợi nhuận của các ngân hàng này năm nay sẽ tăng, trung bình 27%, vẫn “sống khỏe” giữa đại dịch. Sản xuất kinh doanh đình trệ, DN rút khỏi thị trường nhiều, nhưng tín dụng lại tăng cao thì tín dụng chảy vào đâu? Có vào các kênh tiềm ẩn nợ xấu như bất động sản, chứng khoán?

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cảnh báo: “Tôi cho rằng giai đoạn tới số DN buông còn rất nhiều và như thế số nợ xấu trên bảng của ngân hàng thì đẹp nhưng thực tế còn xấu nhiều lắm vì họ cũng còn rất nhiều cách để báo cáo”.

ĐB Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng quan điểm: “Cả năm 2019, 2020 và đầu 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, trong khi DN phá sản, nền kinh tế đang trì trệ thì có phản cảm không? Chính sách tiền tệ có vấn đề hay không? Vậy sao các ngân hàng không chia sẻ mà ngân sách phải bung ra gánh? Đâu là vai trò của Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi vì DN chết thì ngân hàng lấy gì mà sống, thu ngân sách ở đâu?”.

Đó là những thắc mắc rất đáng để cơ quan chức năng lưu tâm, có cách trả lời xử lý thỏa đáng.

Đọc thêm