Sốc trước “công nghệ” mới của những lò rượu không khói

Dân ham nhậu từng kháo nhau về thứ rượu Vodka giả thường bán rất nhiều nơi cửa khẩu biên giới phía Bắc, với đặc điểm là thường đóng vào chai bé, chỉ cần tí “men” hòa vào nước là thành… Thực hư những lời đồn thổi này chưa rõ, nhưng quả thật trên thị trường có khá nhiều “công nghệ” làm rượu mới đủ khiến các đệ tử Lưu Linh sớm “thăng thiên” chầu thánh tổ!

Dân ham nhậu Hà thành từng kháo nhau về thứ rượu Vodka giả thường bán rất nhiều nơi cửa khẩu biên giới phía Bắc, với đặc điểm là thường đóng vào chai bé, chỉ cần tí “men” hòa vào nước là thành… Thực hư những lời đồn thổi này chưa rõ, nhưng quả thật trên thị trường có khá nhiều “công nghệ” làm rượu mới đủ khiến các đệ tử Lưu Linh sớm “thăng thiên” chầu thánh tổ!

Người ta “sản xuất” rượu dễ như một đứa trẻ chơi trò pha chế nước đường, hòa phẩm màu rồi đóng chai thành… nước cam, nước dứa.

Xưa, có rượu “nút lá chuối” của các bậc tiền nhân, tuy thô lậu thủ công nhưng làm nên thứ “nước” tinh túy, trong vắt, thơm nồng mà say nghiêng say ngả. Nay, con cháu các cụ “sáng tạo” nên phương pháp mới chẳng cần ủ men, nổi lửa, chưng cất chi cho cầu kỳ, cứ việc… rót và rót!

Từ những thông tin về thứ “rượu không cần nấu”, chúng tôi đã tìm về một số lò “rượu lậu” và không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy “thành quả” chế tạo kỷ lục: chừng 100 lít rượu trong vòng chưa đầy 1h đồng hồ!

Tìm về “lò rượu”

Với tên tuổi từ hàng trăm năm nay, làng nghề nấu rượu gạo, rượu sắn truyền thống mang tên Đại Lâm (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là một trong những nguồn cung cấp rượu lớn cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Một số người không chỉ “sành rượu” mà còn thạo tin đã mách chúng tôi rằng, ở Đại Lâm, người ta “sản xuất” rượu dễ như một đứa trẻ chơi trò pha chế nước đường, hòa phẩm màu rồi đóng chai thành… nước cam, nước dứa.

Để tìm về đây, chúng tôi phải phi trên con đường đê sống trâu gồ ghề, hẳn là đường “tiểu ngạch” cho những chiếc xe chất đầy các săm rượu ong óc. Nơi đây cũng giống như hàng trăm làng quê Bắc Bộ khác, với những cảnh quen thuộc của cây đa, giếng nước, mái đình… Sự khác biệt khiến người lạ lần đầu đặt chân đến làng cũng có thể nhận biết chính là những phuy đựng rượu cao chừng hơn một mét dựng thành từng hàng hai bên đường.

Dọc sống đê chừng hai cây số, có khoảng chục những kho rượu dựng lên như thế. Dưới cái nắng hè chang chang, con đường bị co hẹp lại bởi những dãy thùng phuy phủ bạt xếp hàng dài. Mỗi thùng phuy nhựa (to cỡ thùng phuy vẫn dùng để đựng xăng dầu) dung tích ước chừng hàng trăm lít. Dưới nắng, mùi cồn bốc lên rất gắt, tưởng chừng, nếu xoè tay bật lửa ga cũng khiến không khí bị đốt cháy vì lý do mùi cồn trong không khí quá đậm đặc.

Dừng chân bên một điểm “đóng rượu” ở ven đường, chúng tôi đóng vai người đang tìm mối để “đánh hàng” về mở quán nhậu. Một người đàn ông đang mải mê đóng rượu từ những chiếc phuy đựng rượu sang những “túi” khác được làm bằng… săm ô tô phát giá luôn: mua giá gốc 6.000 đồng/lít. Về bán lẻ, có thể bán 18 – 20.000 đồng / lít. Siêu lãi, nếu không tính đến cái giá rẻ giật mình và sự độc hại từ những chiếc săm ô tô được “chuyển đổi chức năng” thành công cụ chứa rượu. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó…

Như giáng thêm một đòn thực tế vào lũ khách cứ bày tỏ nỗi e ngại về vệ sinh thực phẩm ra mặt, người đàn ông thản nhiên thực hiện quy trình “đong” rượu với chiếc xô gò bằng kim loại. Chiếc xô này cứ thản nhiên vục vào những phuy rượu đang mở nắp, rót ồng ộc qua phễu và làm đầy những cái “túi” săm ô tô kia. Một xô vục xuống thùng múc lên được khoảng chục lít. Một chiếc túi săm ô tô đầy có thể chứa được từ 10 – 15 xô, tương đương với 100 lít.

Phuy “rượu” trong vắt, in rõ bầu trời xanh thăm thẳm bên trên. Mùi cồn xộc thẳng vào mắt, vào mũi cay xè.

 Tò mò, tôi dừng lại ghé mắt quan sát phuy đựng rượu: phuy “rượu” trong vắt, in rõ bầu trời xanh thăm thẳm bên trên. Mùi cồn xộc thẳng vào mắt, vào mũi cay xè. Tưởng như, nếu không nhịn thở, cúi đầu vào phuy rượu đó chừng 15 phút, chắc chắn cũng có thể “lăn quay” vì say mà chưa kịp uống!

Trên nền đường, ngay cạnh địa điểm đang “đong” rượu, cả chục chiếc săm ô tô “no căng” đang được xếp thành một dãy dài, đen sì như một đàn “lợn rừng” vừa ăn no xong, đang nằm ngủ.

Những “nhà hóa học” tài ba

Theo lời kể của vị “đại hán” đang đóng rượu này, rượu Đại Lâm đựoc vận chuyển bằng xe tải đưa đi khắp các tỉnh, chứ không riêng gì Hà Nội. Khi chúng tôi nghi ngờ về sản lượng rượu quá lớn và tại sao lại đựng rượu bằng thùng phuy, anh ta quả quyết: 100% là rượu nấu. Mỗi ngày, mỗi lò nấu rượu hết công suất 24/24, sẽ nấu được chừng trên dưới bốn chục lít rượu.

Chính sự quả quyết của người đàn ông này đã “giải mã” những bán tín bán nghi của chúng tôi về câu chuyện được nghe trước khi về Đại Lâm: mỗi kho rượu chứa cả trăm thùng phuy. Mỗi thùng phuy đựng cả trăm lít rượu, chỉ tính ang áng là đã lên tới cả ngàn lít rượu… Con số này, nói gì một lò mà cả làng xúm lại đun nấu may ra mới đủ “sản lượng”!

Theo nhiều người “mách nhỏ”, thực ra thì làm rượu không vất vả thế đâu, công nghệ làm rượu ở đây “giản dị” lắm: cồn + nước lã + hương liệu = rượu. Theo đó, cồn được cho vào thùng phuy, đổ nước lã vào đó theo tỷ lệ, cùng với hương liệu có sẵn theo các mùi cụ thể. Dụng cụ đặc biệt và đa năng của các “nhà hóa học” tài ba này chính là chiếc sào có khắc vạch để làm cữ. Nó vừa dùng để đo mực nước và cồn, vừa là dụng cụ để khuấy tan cồn, nước, hương liệu thành dung dịch có tên là… rượu.

Công nghệ sản xuất rợn người.

 Câu trả lời về cái giá siêu rẻ còn được giải đáp thêm khi chúng tôi tìm hiểu về thứ “men” thần kỳ ở đây. Trước, Đại Lâm sử dụng cồn khô theo dạng “viên sủi” là phổ biến. Sau đó, bằng những sáng chế riêng của những người có kinh nghiệm trong nghề, viên sủi được thay thế bằng cồn. Còn lại thì từ tỷ lệ nước – cồn đến các thứ mẹo nhỏ khác trong nghề đều là người làng hướng dẫn nhau.

 Sự xuất hiện của những “lò rượu không khói” đã dần giết chết những lò rượu truyền thống, vì không thể bằng phương pháp thủ công đánh lại được công nghệ chế rượu hiện đại kiểu đó. Những “lò” rượu trụ lại được đến thời điểm bây giờ, chỉ khoảng chục lò và nằm rải dọc trên đoạn đường đê chừng 1-2 cây số. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên cũng bắt nguồn từ những phuy rượu như thế.

Hơn thế, nguồn “rượu” này còn lan tỏa đi khắp nơi, qua đường họng của những hũ chìm, ma men mà ngấm ngầm len lỏi vào khắp mao mạch toàn thân, gây nên những hiểm họa khôn lường cho xã hội…

Thiên Kim

Đọc thêm