Hiện nay, nguồn ô nhiễm sông Đa Độ đang ở mức báo động. Nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương vào cuộc thì sông Đa Độ - hệ thống thuỷ nông lớn nhất Hải Phòng - sẽ trở thành những sông Thị Vải, sông Nhuệ một sớm một chiều...
|
Có hàng trăm ngôi nhà như trên “mọc” trên hành lang sông Đa Độ |
Điểm mặt “thủ phạm”
Nằm ở phía Tây Nam của TP. Hải Phòng, sông Đa Độ được bồi đắp bởi phù sa của hạ du sông Thái Bình và sông Hồng. Ngoài chức năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, con sông dài 50km này còn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các Nhà máy nước sạch của Hải Phòng gồm: nhà máy nước cầu Nguyệt, sông He; nhà máy nước khu công nghiệp Đình Vũ và 35 nhà máy nước sạch nông thôn.
Tuy nhiên, như PLVN đã phản ánh, nguồn nước trên hệ thống sông Đa Độ đang ô nhiễm dần và có nguy cơ ngày càng gia tăng mức độ ô nhiễm. Ngoài một dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, rơm rạ mục đổ xuống sông, Đa Độ còn phải “hứng” cả rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư đô thị.
Kết quả lấy 11 mẫu nước tại 10 điểm trên sông Đa Độ và một số kênh cấp I của hệ thống năm 2010 do Viện nghiên cứu khoa học thuỷ lợi Việt Nam thực hiện sau khi phân tích theo quy chuẩn Việt Nam cho thấy: nồng độ oxy hoà tan trong nước thấp, hàm lượng Coliform vượt 29,4 lần, Ecoli vượt quy chuẩn 2,4-11 lần, hàm lượng Amoni vượt 13-15 lần, hàm lượng N02 vượt 3,9-4,6 lần... Phần lớn diện tích các khu vực trên sông thuộc địa hình ven biển nên chịu ảnh hưởng của nước mặn và chua phèn.
Theo ông Nguyễn Văn Chọn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ - đơn vị quản lý sông Đa Độ - cho biết, trên hệ thống có khoảng 120 cơ sở công nghiệp, khoảng 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ, gần 60 trạm xá của các xã, phường thải trực tiếp vào hệ thống nước sông mà chưa qua xử lý.
Ông Chọn cho biết, điểm gây ô nhiễm bức xúc nhất hiện nay là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão) chuyên sản xuất mút xốp. Qua kiểm tra, đơn vị quản lý phát hiện đường ống xả thải không qua xử lý với đường kính 65cm được DN lắp ngầm, cách mặt nước khoảng 1,5m. Tuy nhiên, việc cơ quan quản lý cho lấp ống xả thải này như “muối bỏ bể” bởi chỉ vài ngày sau, DN lại làm ống xả thải mới?! Hiện, dọc hai bên bờ Đa Độ có rất nhiều ống xả thải chìm dưới mặt sông như vậy.
Tuy nhiên, DN Tân Hiệp Phát chỉ là một trong hàng chục “thủ phạm” gây ô nhiễm nghiêm trọng như các nhà máy thép, 5 DN ở cụm công nghiệp đường 10 (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão), hệ thống nước thải từ khu dân cư thị trấn Ruồn và Bệnh viện đa khoa An Lão, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng, khu làng nghề thủ công Phù Lưu, nghĩa trang Tràng Minh (quận Kiến An)...
Lực bất tòng tâm?!
Lãnh đạo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ cho biết, tình trạng vi phạm, xâm lấn sông diễn ra mọi lúc, mọi nơi và dưới mọi hình thức: khoanh ao đầm nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm, cấp đất làm nhà tạm, nhà kiên cố... Theo thống kê chưa đầy đủ của Cty diện tích hai bờ sông bị lấn chiếm thuộc địa bàn huyện An Lão, Kiến Thuỵ và Dương Kinh lên tới gần... 900.000m2.
Được biết, hệ thống sông Đa Độ nằm trong khu vực phát triển năng động của Hải Phòng nên cùng với sự phát triển nhanh của các cụm, khu công nghiệp, các loại hình du lịch, dịch vụ, các khu dân cư đô thị mới... phần nào phá vỡ quy hoạch cũ. Riêng hiện trạng sông trục Đa Độ từ cầu Vàng cũ đến cuối nguồn, hai bờ vỡ lở nhiều đoạn, một số cống đập điều tiết chưa được sửa chữa, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo chức năng trữ và điều tiết nguồn nước khi vận hành hệ thống.
Để bảo vệ nguồn nước và quy hoạch cũ, đơn vị quản lý đã xây dựng đề án tăng cường quản lý công trình thủy lợi và bảo vệ nguồn nước giai đoạn 2010- 2015 với định hướng cụ thể. Trước mắt, Cty thường xuyên điều tiết thay nước trên toàn bộ dòng chảy để thau chua, rửa mặn; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm xâm lấn công trình và xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Song song, đơn vị cũng triển khai các dự án cấp bách sử dụng nguồn vốn TP Hải Phòng và ngân sách Trung ương để cải tạo nguồn nước như: dự án xây dựng trạm bơm Nãi Sơn 2 (xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy); dự án cải tạo kênh Mỹ Khê (quận Kiến An); dự án nạo vét kênh cấp 1 Đại Trà, dự án cải tạo nâng cấp cụm thủy nông Thái Sơn – Tân Dân - An Thắng (huyện An Lão)...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, khi các dự án trên hoàn thành, nguồn nước sông vẫn chưa được “bảo vệ” triệt để bởi hệ thống DN, cơ sở sản xuất, bệnh viện, làng nghề vẫn “ngang nhiên” xả thải không qua xử lý...
Ông Nguyễn Văn Chọn cho hay, để tháo được “nút thắt” đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của lãnh đạo các quận, huyện có sông chảy qua đồng thời cần có biện pháp xử lý, áp dụng các chế tài đặc biệt để xử lý nghiêm các “thủ phạm” nêu trên.
Phương Thanh