Gia tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết

(PLO) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang tăng mạnh, trong đó những ngày gần đây, số thai phụ mắc bệnh đang ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, đối với thai phụ, bị mắc SXH có thể gây nhiều hệ lụy hơn so với người bình thường, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Phụ nữ mang thai khó chẩn đoán SXH hơn người thường

Những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị do mắc SXH tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, có xu hướng ngày một tăng, trong đó khoảng hơn 10% bệnh nhân là phụ nữ có thai. Mới đây nhất, trường hợp sản phụ thai 37 tuần bị sốt cao, vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân đã được vào phòng cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Đang nằm viện điều trị bệnh nhân chuyển dạ sinh con. Các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sỹ của Khoa Sản và Khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân, đón “mẹ tròn con vuông”. Bé gái 2,8kg chào đời khỏe mạnh được chăm sóc sơ sinh, còn mẹ lại được đưa về Khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị SXH. Hiện nay, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã trở về mức an toàn và được xuất viện. 

Trước những diễn biến số ca mắc bệnh ngày càng tăng, tại bệnh viện, một số bà bầu tỏ ra lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi đột nhiên bị sốt cao, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Khuôn mặt thất thần đợi kết quả xét nghiệm, họ cùng mang chung tâm trạng hoang mang và sợ nếu lỡ mắc SXH thì nguy cơ sẽ phải bỏ thai nhi. “Chúng tôi đọc báo, xem ti vi thấy dịch SXH đang bùng phát nhiều mà lo lắng không yên. Gia đình cũng đã tuân thủ lật úp, đậy nắp tất cả những dụng cụ chứa nước, từ xô, thùng chậu cho đến chén nước nhỏ nhất. Đang mang bầu nên tôi “giữ mình” hết mức, ở trong nhà cả ngày, dùng cả cửa lưới chống muỗi, trong tay luôn có chiếc vợt muỗi vậy mà không hiểu từ đâu vẫn mắc SXH. Giờ chúng tôi chỉ lo cháu bé bị ảnh hưởng, dị dạng hay có vấn đề gì thôi….”, một thai phụ chia sẻ. 

Nói về vấn đề này, các bác sĩ cho rằng, phụ nữ mang thai nếu bị SXH thường có triệu chứng khiến người bệnh rất dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm rồi đến viện điều trị khi bệnh đã chuyển sang thể nặng. Thai phụ bị SXH nếu ở những tháng đầu có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Ngoài ra có thể sinh non, biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, tiền sản giật do tình trạng tiểu cầu hạ gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. Do đó, việc theo dõi chặt trong quá trình điều trị SXH ở thai phụ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là mang thai những tháng cuối. Thông thường bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc SXH. Khi mắc bệnh, chị em cần bình tĩnh, không nên lo lắng thái quá bởi sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi. Sản phụ mắc SXH sẽ được theo dõi hàng ngày và được sự hỗ trợ theo dõi em bé của bác sĩ sản khoa. 

“Diễn biến SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường. Do đó, chúng tôi khuyên phụ nữ có thai mắc bệnh này nên nhập viện điều trị. Qua đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận... cũng như tình trạng của thai nhi hàng ngày để xem có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không”, TS.BS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh. 

Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi chỉ định dùng thuốc để tránh những ảnh hưởng đối với thai. Ngay cả các thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi sử dụng cho thai phụ vẫn phải có sự thống nhất của bác sỹ truyền nhiễm và bác sỹ sản khoa sau khi đã cân nhắc rất kỹ.

Cần cảnh giác trên cả những bệnh nhân đã có bệnh mãn tính

Ngoài việc lưu ý đối với người có cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già thì một số bệnh nhân có bệnh mãn tính khi mắc SXH cũng rất nguy hiểm, cần được theo dõi sát, tránh biến chứng xảy ra. Chẳng hạn như, bệnh nhân suy gan, suy thận thì yếu tố đông máu kém cộng thêm tiểu cầu giảm nguy cơ SXH càng nguy hiểm, đặc biệt trường hợp nặng, đa số dẫn đến SXH nội tạng, SXH não sẽ rất khó điều trị và nguy hiểm đến tính mạng cho chính người bệnh. Thực tế, mới đây trong tháng 7, tại Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong do SXH. Điều đáng chú ý là cả hai bệnh nhân này đều bị mắc SXH và trước đó đã mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.  

“Những người có bệnh SXH trên nền bệnh mãn tính như suy thận, tiểu đường, tim mạch, phổi,… sẽ cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng. Bởi người có bệnh lý bệnh tim, phổi khi mắc SXH điều trị sẽ khó khăn hơn người thường, vấn đề truyền dịch cho những bệnh nhân này rất khó khăn. Đồng thời với những người có tiền sử phải sử dụng aspirin kéo dài để điều trị các bệnh lý như có van tim nhân tạo hoặc có bệnh lý về mạch, thì những bệnh nhân đó khi sốt cần xác định có SXH hay không. Nếu xác định có SXH thì cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị hoặc chuyển từ aspirin sang thuốc khác”, Th.s. Bs Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết. 

Khi bệnh nhân có những dấu hiệu cảnh báo, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… cần nhanh chóng nhập viện để điều trị. Có rất nhiều bệnh nhân thắc mắc vì sao bệnh nhân SXH phải lấy máu xét nghiệm hàng ngày. Bác sĩ Cấp cho hay, việc xét nghiệm máu của bệnh nhân là rất cần thiết để biết người bệnh có đang được điều trị đúng hướng hay không. Khi bác sĩ nhận thấy mức độ tiểu cầu đã ổn định trở lại bình thường, bệnh nhân đó sẽ được cho ra viện. Với những gia đình có người mắc SXH các thành viên khác chưa bị phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, không nên quá hoang mang mà phải thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

Đọc thêm