Phát hiện 6 thỏi nam châm, 3 kim bấm trong bụng bé 3 tuổi ở Bạc Liêu

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ gắp ra 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm từ bụng bé K. Bệnh nhi phải cắt bỏ 20 cm ruột non...
Hình ảnh dị vật cản quang trong bụng bé K.
Hình ảnh dị vật cản quang trong bụng bé K.

Bé T.Đ.K (3 tuổi, nhà ở Bạc Liêu) được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cuối tháng 12/2019 trong tình trạng chướng bụng kèm nôn ói suốt 9 ngày.

Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong bụng K có các vật thể cản quang xếp thành hàng ngang nên quyết định phẫu thuật lấy dị vật cho bệnh nhi.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ gắp ra 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm từ bụng bé K.

Bệnh nhi bị thủng ruột non do kim bấm chọc vào, phải cắt bỏ 20 cm.

K đã hồi phục tốt và xuất viện sau 3 ngày.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng. Nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Những vật nuốt phải phổ biến nhất là: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).

Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.

Từ ca cấp cứu trên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo chung, cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

"Muốn tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh không nên để trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ. Không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn, vì việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý. Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm... Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục", các bác sĩ khuyên.

Đọc thêm