Vắc xin Covivac cho kết quả bảo vệ khá tốt kể cả với thể biến chủng

(PLVN) - Sáng nay 15/3, 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 của Việt Nam có tên Covivac.
Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có tên Covivac của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nga
Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có tên Covivac của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nga

Phát biểu tại buổi tiêm thử nghiệm vắc xin, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 “made in Vietnam” do đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện. Bộ Y tế kỳ vọng, với thành công của các vắc xin sản xuất trong nước, dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vắc xin phòng bệnh Covid-19 và tiến tới xuất khẩu vắc xin.

Theo GS Thuấn, Covivac là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng sau Nanocovax, hiện đã sang giai đoạn 2. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc-xin của công ty Vabiotech thử nghiệm giai đoạn 1. Với vắc-xin Covivac Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đánh giá rất cao sự chuẩn bị, cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học đến từ Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) đã cố gắng không ngừng nghỉ, làm ngày làm đêm để chế tạo ra vắc xin trong thời gian rất ngắn.

“Chúng tôi đặc biệt trân trọng cảm ơn những người tình nguyện đã có nghĩa cử cao đẹp, vì sức khỏe cộng đồng để chúng ta có đủ người tham gia nghiên cứu”, ông Thuấn nói. Trong thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin COVID, ông Thuấn cho biết Việt Nam luôn tôn trọng tối đa nguyên tắc khoa học, chặt chẽ và an toàn.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac
 GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac

Chia sẻ tại buổi tiêm thử nghiệm, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, 3 liều vắc xin đã được đưa vào thử nghiệm là liều 2 mcg, 3mcg và 10 mcg, chúng tôi đánh giá những số liệu không chỉ ở Việt Nam, Hoa Kỳ và cả Ấn Độ, kết quả tiền lầm sàng cho thấy đáp ứng hệ miễn dịch khá tốt. Sau khi trình Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm lâm sàng cho vắc xin Covivac”.

Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, vắc xin Covivac đã được đánh giá ở những chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau, đặc biệt đối với biến chủng Anh và Nam Phi, với cả 2 chủng này và các chủng khác vắc xin cho kết quả bảo vệ khá tốt.

Tình nguyện viên được lấy máu xét nghiệm trước khi tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac.
 Tình nguyện viên được lấy máu xét nghiệm trước khi tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac. 

Thông tin tại buổi thử nghiệm, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình – một cơ sở y tế đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lựa chọn và tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng nhiều vắc xin trước đây.

Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiêm thử nghiệm lâm sàng của vắc xin COVIVAC và phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo quy trình nghiên cứu thử nghiệm đạt sự an toàn và hiệu quả.

Tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin sẽ được mua bảo hiểm, với tổng tối đa cho cả đợt nghiên cứu khoảng 40 tỉ đồng.
 Tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin sẽ được mua bảo hiểm, với tổng tối đa cho cả đợt nghiên cứu khoảng 40 tỉ đồng.

Liên quan đến vấn đề mua bảo hiểm cho người tham gia nghiên cứu, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết IVAC đã mua bảo hiểm cho các đối tượng tham gia nghiên cứu, tổng tối đa cho cả đợt nghiên cứu vào khoảng 40 tỉ đồng. Đây là quy định không chỉ của Việt Nam mà trên thế giới.

Là một những tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac, nữ tình nguyện viên sinh năm 1995 chia sẻ: “Thực ra lúc đầu đăng ký tôi cũng có chút lo lắng, nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn thì đã đỡ lo lắng hơn phần nào. Khi đăng ký tiêm thử nghiệm, tôi cho rằng đây là một hoạt động đóng góp một phần công sức cho xã hội và cộng đồng, phải có những người tình nguyện như tôi thì mới biết được vắc xin có hiệu quả hay không”.

Nữ tình nguyện viên cũng chia sẻ thêm, khi đăng ký tham gia thử nghiệm cô được cả gia đình ủng hộ, và động viên rất nhiều. “Tôikỳ vọng Việt Nam sẽ có được loại vắc xin do nước mình tự sản xuất, với mức giá phải chăng để mọi người đều được sử dụng”, nữ tình nguyện viên này tâm sự.

Sau tiêm, các tình nguyên viên sẽ ở lại khu vực lâm sàng trong vòng 24h để các bác sĩ theo dõi sức khỏe để kịp thời xử trí những biến có nếu có thể xảy ra.
 Sau tiêm, các tình nguyên viên sẽ ở lại khu vực lâm sàng trong vòng 24h để các bác sĩ theo dõi sức khỏe để kịp thời xử trí những biến có nếu có thể xảy ra.

Trong buổi tiêm vào sáng ngày 15/3/2021, 6 người tình nguyện sẽ được tiêm mũi đầu tiên (vắc xin hoặc giả dược). Sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên được lưu lại tại khu vực thử nghiệm lâm sàng trong vòng 24h để các bác sĩ tiếp tục theo dõi, phát hiện, xử trí kịp thời và ghi nhận lại các biến cố bất lợi nếu xảy ra.

Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến 20/04/2021. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày.

Đọc thêm