Những hậu quả nặng nề
Lò hơi có một vai trò rất quan trọng trong các nhà máy sản xuất thực phẩm, chế biến thức ăn, thủy sản, giấy, dệt nhuộm, thuốc lá, giải khát... Các chuyên gia khuyến cáo, nếu sử dụng không đúng, lò hơi chẳng khác gì một quả bom. Những tai nạn liên tục về nổ lò hơi gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Gần đây nhất, khoảng 15h30’ ngày 19/7/2017, tại Công ty TNHH JIAWEI (KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, Bình Phước; chuyên sản xuất dệt, nhuộm vải) xảy ra vụ nổ lò hơi tại khu vực sản xuất. Lực nổ mạnh khiến vật liệu than đá, dầu nhớt, trang thiết bị và phụ kiện của lò bị văng xa hàng chục mét, làm biến dạng hệ thống và phần mái nhà xưởng; ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Hầu hết, những vụ nổ lò hơi đều gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ nổ lò hơi tại khu vực xưởng sản xuất của Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên (tổ 15, phường Quan Triều, TP.Thái Nguyên) chiều 10/11/2016 khiến thi thể 2 nạn nhân không còn nguyên vẹn, 6 người khác bị chấn thương và bị bỏng.
Trước đó, ngày 30/10/2016, tại cơ sở chế biến hải sản của gia đình anh Tạ Duy Anh (thôn Quan Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã xảy ra vụ nổ lò hơi của dây chuyền chế biến hải sản. Hậu quả là 4 người tử vong, 11 người bị thương, toàn bộ xưởng chế biến có diện tích khoảng 100 mét vuông lợp bằng ngói và tôn bị sập.
Vào khoảng 1h45 sáng 23/8/2016, khi các công nhân đang làm việc thì 1 trong 4 lò hơi (than hóa khí) của nhà máy Granite Trung Đô (đóng tại đường Đặng Thai Mai - KCN Bắc Vinh, Nghệ An) bất ngờ phát nổ. Vụ nổ khiến hai công nhân bị bỏng nặng, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết bỏng quá nặng, cả hai đã tử vong.
|
Vụ nổ lò hơi ở Thái Bình là hồi chuông cảnh báo về việc người dân thiếu hiểu biết trong việc vận hành các thiết bị dễ cháy nổ trong các khu chế biến thủy hải sản hiện nay |
Bất cập trong quản lý, vận hành
Thống kê từ một cuộc thanh tra chuyên ngành về an toàn lao động của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng lò hơi vẫn tỏ ra khá chủ quan trong việc vận hành, sử dụng thiết bị.
Cụ thể, tại một số nhà máy chế biến thực phẩm, khu vực rào chắn bảo vệ quanh vị trí đặt lò hơi không bảo đảm yếu tố thoáng hay khả năng thoát hiểm cho công nhân vận hành nếu xảy ra tai nạn; các biển bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hay quy trình vận hành lò hơi chưa được treo ở nơi dễ thấy, dễ đọc; công nhân vận hành lò hơi còn chưa nắm chắc kiến thức xử lý khi xảy ra sự cố.
Cùng với sự phát triển, nhiều làng nghề, xưởng sản xuất nhỏ lẻ có nhu cầu sử dụng lò hơi nhỏ. Họ thường có tâm lý chọn những thiết bị rẻ tiền mà không biết tính nguy hiểm của nó. Nhiều lò hơi được thiết kế không đúng quy chuẩn do một số cơ sở cơ khí không có kiến thức nhìn theo chế tạo na ná. Tuy nhiên, những cơ sở tư nhân ấy không kiểm soát về mặt vật liệu, tính toán kết cấu bền để khống chế khả năng sinh áp và gây nguy hiểm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia an toàn lao động, nhiều doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt trang thiết bị còn thường tự ý lắp đặt hay thêm hoặc bỏ bớt một số chi tiết khiến thiết bị hoạt động không đảm bảo an toàn theo đúng chỉ tiêu mà nhà sản xuất khuyến cáo. Đồng thời, quy trình kiểm định định kỳ thiết bị cũng như khai báo định kỳ đến cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước cũng bị nhiều chủ sử dụng lao động bỏ qua. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn lao động cao.
Còn theo các chuyên gia về cháy nổ, đối với lò hơi, những nguyên nhân gây nổ thường do các vấn đề như xử lý nước không đảm bảo, khởi động sai, nổ do nhiên liệu, cạn nước, va đập gây hỏng hóc ống, nước cấp bẩn, đốt nóng dữ dội, phương pháp xả không thích hợp, tạo chân không bên trong lò hơi, việc bảo quản không đúng, nổ nhiên liệu, tác động của ngọn lửa...
“Hai vụ nổ lò hơi tại Thái Nguyên và Thái Bình và rất nhiều vụ nổ lò hơi khác nữa mà chúng tôi đã khám nghiệm thì nguyên nhân là do người vận hành không am hiểu các kỹ thuật nhưng chủ doanh nghiệp đã chỉ đạo vận hành. Chẳng hạn như việc lò hơi hết nước đang nóng đỏ mà đổ thêm nước lạnh vào tạo áp suất đột ngột khiến lò hơi nổ”, Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng phòng Giám định kỹ thuật pháp lý (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) cho biết.
Theo cán bộ Viện Khoa học hình sự, trong quá trình vận hành lò hơi, ngoài nguy cơ nổ áp lực còn có những nguy cơ như bỏng, điện giật, phát sinh khí độc CO, CO2... Vậy nên việc vận hành lò hơi cần phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về an toàn lao động, có những quy chuẩn kỹ thuật an toàn.
Đơn vị chế tạo phải có đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị, người thiết kế, máy móc, nhà xưởng… Đơn vị sử dụng sau khi lắp đặt cũng cần được kiểm định kỹ thuật an toàn đầy đủ với các điều kiện mặt bằng lắp đặt, kiểm tra kiểm định từng bộ phận trước khi đưa vào sử dụng. Ngay cả người vận hành cũng phải được đào tạo, huấn luyện. Người sử dụng lao động của doanh nghiệp phải giao trách nhiệm
Các chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ nổ lò hơi có thể nhận biết qua dấu hiệu cạn nước, nhìn lên áp suất tăng có tiếng xì rít. Để đảm bảo an toàn, khi phát hiện cần lập tức dừng quá trình cháy, ngừng quạt đẩy cấp gió phục vụ cháy, quạt khói thêm thời gian ngắn để hút khí nóng ra ngoài.
Nếu hơi đang xì phải khóa van hơi để giữ hơi giữ nước, áp suất tăng phải hé mở van hơi để giảm áp suất và có điều tuyệt đối cấm là cấp nước vào lò hơi khi xác định nồi hơi đã cạn nước. Bởi lò hơi đang nóng mà cấp nước vào sẽ biến dạng toàn bộ nồi và phát nổ.