Sử dụng tiền do ngân hàng chuyển nhầm có phạm luật?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc ngân hàng chuyển nhầm tiền hoặc cá nhân khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của một cá nhân khác không phải chuyện hiếm gặp. Vậy trong trường hợp này, người nhận tiền chuyển nhầm cần phải làm gì và họ có được quyền sử dụng số tiền đó không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không đủ căn cứ xác lập quyền sở hữu với tiền chuyển nhầm

Luật sư (LS) Trịnh Thúy Huyền, Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết: Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây: Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; Thu hoa lợi, lợi tức; Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; Được thừa kế; Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; Gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Bên cạnh đó, Điều 179 BLDS quy định về chiếm hữu như sau: Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật này.

“Như vậy chiếm hữu do được chuyển nhầm tiền vào tài khoản không được coi là căn cứ để xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp người được chuyển nhầm tiền chứng minh mình là người chiếm hữu ngay tình, liên tục và công khai trong thời hạn 10 năm (Điều 236 BLDS). Tuy nhiên, việc chứng minh điều này gần như là không khả thi bởi hầu hết mọi trường hợp người chuyển nhầm tiền sẽ thông báo cho ngân hàng và ngân hàng sẽ thông báo đến người được chuyển nhầm tiền, lúc này việc chiếm hữu sẽ không được coi là ngay tình và liên tục”, LS Huyền nói.

Luật sư Trịnh Thúy Huyền

Luật sư Trịnh Thúy Huyền

Sử dụng tiền chuyển nhầm, có thể bị xử lý hình sự

Đối với trường hợp người được chuyển nhầm tiền nhanh chóng rút tiền ra để sử dụng trước khi được ngân hàng thông báo và khi nhận được thông báo của ngân hàng thì họ từ chối hoàn trả lại tiền, theo LS Trịnh Huyền, hành vi này được xem là hành vi chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản, có thể cho rằng được cấu thành tội phạm và được xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Đơn cử, năm 2019, do sự cố, một ngân hàng đã chuyển nhầm 5 tỷ đồng vào tài khoản của một thanh niên (trú tại TP Hồ Chí Minh). Dù biết ngân hàng chuyển nhầm tiền nhưng người thanh niên này vẫn rút gần 1,5 tỷ đồng tại hơn 200 điểm ATM khác nhau để sử dụng. Đến khi được ngân hàng thông báo thì người thanh niên này không có khả năng trả tiền cho ngân hàng. Sau đó Công an quận 1 (TP HCM) đã bắt giữ, điều tra người này về hành vi “sử dụng trái phép tài sản”.

LS Huyền cho biết, đối với tội chiếm hữu trái phép tài sản, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 177 BLHS quy định về hành vi “sử dụng trái phép tài sản” như sau: Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng…; Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

LS Huyền đưa ra lời khuyên, trường hợp không xác định được người gửi nhầm tiền thì người nhận tiền nên thông báo cho ngân hàng đăng ký tài khoản để hoàn tác việc chuyển tiền. Trường hợp người nhận tiền không biết mình được chuyển tiền và đã rút tiền ra sử dụng thì người nhận tiền cần có trách nhiệm hợp tác với ngân hàng để thực hiện hoàn trả số tiền.

Đọc thêm