Sự phát triển của mạng xã hội và vai trò của báo chí: Trao cơ hội hay tạo thách thức?

(PLO) - Trong thời đại công nghệ số, không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội (MXH) đem lại cho báo chí. Tuy nhiên, chính sự phát triển của MXH cũng gây không ít khó khăn và cả sự cạnh tranh, thách thức cho vai trò của báo chí chính thống.
Trước sự phát triển của MXH, nhà báo phải luôn có tư duy phán đoán và kiểm tra chặt chẽ thông tin.
Trước sự phát triển của MXH, nhà báo phải luôn có tư duy phán đoán và kiểm tra chặt chẽ thông tin.

Nhiều tiện ích nhưng không ít hệ lụy 

Có thể nói, khi chưa xuất hiện MXH, báo chí vẫn là nguồn cung cấp thông tin gần như là duy nhất đối với xã hội. Và để có được nguồn tin ấy, các nhà báo, phóng viên phải rất nỗ lực nhằm truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh và chính xác nhất. Nói như vậy không có nghĩa là các nhà báo bây giờ đã thảnh thơi hơn trong quá trình tác nghiệp. Báo chí thời nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng, nhưng ở thời đại công nghệ số, khi thông tin truyền đi được tính bằng giây thì càng đòi hỏi các nhà báo phải nhạy bén hơn, năng động hơn. Bởi vậy, khi MXH xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, nhiều tờ báo đã chủ động tiếp cận với các dạng thức chuyển tải mới của thế giới internet nhằm giúp “sản phẩm” của mình đến với công chúng nhanh hơn, “nóng” hơn và lượng độc giả cũng nhiều hơn. 

Trên thực tế, có rất nhiều nguồn tin mà các nhà báo, phóng viên có được không phải từ những cuộc họp hay thông cáo báo chí…mà chính từ các trang MXH. Trong số đó có khá nhiều thông tin tương đối đầy đủ, ngôn ngữ bài viết khá chuyên nghiệp - đúng như nhận xét của nhiều người là “ai cũng có thể trở thành phóng viên hay nhà bình luận trên MXH”.

Cách đây chưa lâu, khi câu chuyện Hà Nội chặt hàng loạt cây xanh ở các tuyến phố, hay sự cố môi trường do Fomorsa gây ra cho các tỉnh miền Trung hãy còn trong vòng “hạn chế thông tin” thì tại các trang MXH, nội dung này đã được khai thác trên nhiều góc độ. Rồi rất nhiều video clip về bạo lực học đường, hay những vụ bạo hành trong các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non… mà báo chí đăng tải - để sau đó buộc các cơ quan chức năng vào cuộc - đã được lấy lại từ các trang MXH. Bởi vậy, không phải không có lý do khi nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay báo chí chính thống không còn là nguồn thông tin duy nhất nữa, thay vào đó MXH đang trở thành nguồn thông tin ngày càng được quan tâm, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là “đối thủ” rất khó lường của báo chí, truyền thông. 

Nhưng, trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, MXH cũng như “con dao hai lưỡi”. Nhiều người rất khó để phân biệt được đâu là thực tế (tin thật), đâu là màn kịch được dựng lên (tin giả). Vì thế, thời gian qua đã có không ít thông tin trên MXH hoàn toàn bịa đặt, dễ bị lợi dụng và trở thành những tin tức giả mạo, gây hoang mang và bất bình trong dư luận. Cảnh báo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: “Sự cạnh tranh thông tin giữa các báo điện tử, MXH sẽ dễ kéo theo tình trạng nhiễu loạn thông tin, có thể gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội”. 

Như mới đây, một số MXH tung tin đồn thất thiệt về việc Ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền, hay trước đó không lâu cũng có trang MXH cho rằng một đập thủy điện ở Nam Trung bộ sắp vỡ khiến dân chúng địa phương vô cùng hoang mang, lo lắng….Trong những trường hợp này, để trấn an dư luận thì không ai khác ngoài các cơ quan báo chí phải vào cuộc để bác bỏ những tin đồn thất thiệt kia. “Báo chí chắc chắn không thể chạy đua với MXH về tốc độ truyền tin, nhưng hiện nay các độc giả sau khi đọc tin trên MXH họ sẽ quay trở lại với các trang báo chính thống để kiểm chứng lại thông tin. Chính vì vậy báo chí chính thống vẫn có một chỗ đứng, vai trò quan trọng trong môi trường truyền thông hiện đại” - ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus khẳng định.

Kỹ năng và trách nhiệm 

Để nâng cao vai trò của báo chí trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà quản lý cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy báo chí theo hướng tôn trọng công chúng. Nghĩa là bên cạnh việc tạo ra nhiều “món ăn” thông tin phù hợp nhu cầu của xã hội thì báo chí cũng nâng cao tính trách nhiệm, đặc biệt là tăng cường sự minh bạch và kiểm chứng thông tin trên MXH.

“Khác với MXH, báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan. Những tin tức được báo chí đăng tải trước hết phải là tin tức có thật. Trên MXH, một người đưa tin có thể ẩn danh, tuy nhiên báo chí thì không thể ẩn danh được. MXH chia sẻ các tin tức của báo chí mà không cần phải kiểm chứng, đối chứng, nhưng báo chí khi đăng tải một thông tin từ các MXH đều phải có sự kiểm chứng, xác minh thông tin” - ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nguyễn Bá, do MXH tạo ra những thông tin không có thực, bởi vậy rất cần những hành động kịp thời của đội ngũ quản lý có trình độ cao và những người làm báo chân chính nhằm phân định đúng sai trong hoạt động của các MXH. Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của người làm báo là lên tiếng phê phán, định hướng dư luận, thay vì có những bài viết hùa theo MXH chỉ để câu “view”. Ở một khía cạnh khác, tính nhanh nhạy, lan tỏa và tương tác cao của MXH cũng tạo nên áp lực đối với báo chí, bắt buộc báo chí phải nhanh hơn, nhân văn hơn và chính xác hơn. 

Cho rằng quá trình toàn cầu hóa sẽ tạo nên những thách thức với báo chí và truyền thông, bởi vậy Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý: “Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, việc quản trị thông tin (như cách thu thập thông tin; sử dụng thông tin đó như thế nào; có nhằm tới mục đích đem lại những thông tin chân thực, nhiều chiều tới độc giả, khán giả hay không...) đặt ra yêu cầu phải có được đội ngũ những nhà báo có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Các nhà báo luôn phải học hỏi, nâng cao những kỹ năng trong hoạt động báo chí truyền thông hiện đại, đồng thời cũng phải luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của một nhà báo chân chính”.

Và điều quan trọng không kém là mỗi một công dân - với tư cách là độc giả - phải biết lựa chọn và tỉnh táo trước các thông tin lĩnh hội được. “Chúng ta có khái niệm ăn kiêng, biết lựa chọn thực phẩm nào hợp với mình. Tương tự, chúng ta cũng cần có chế độ “ăn kiêng” về truyền thông, tức là không chỉ đọc và xem cái gì thấy trên truyền thông, mà cần biết chắt lọc để chỉ “tiêu thụ” những thông tin bổ ích, tốt cho sức khỏe và nâng cao chất lượng của thông tin đó” - bà Annette Novak, Cao ủy phụ trách báo chí của Chính phủ Thụy Điển nhận xét.

Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XIV:

“Việc sử dụng thông tin trên MXH phụ thuộc vào năng lực của báo chí”

Theo tôi, thế giới mạng là hiện thực mà chúng ta đang sống nên không thể coi thường và chúng ta phải tác động vào nó một cách tích cực. Trên MXH ngày càng có nhiều thông tin có lợi nên báo chí cũng phải biết sử dụng các trang mạng này. Hiện nay có nhiều tờ báo làm những trang mạng và dùng ảnh hưởng, chất lượng của mình để thu hút độc giả. Tôi cho đấy là nhiệm vụ chứ không phải là sự cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin trên MXH phụ thuộc vào năng lực của báo chí. Mỗi nhà báo phải chú ý chọn lọc, phân biệt đúng - sai để biết đó là thông tin lấy được hay không. Bản thân nhà báo phải là một người am hiểu xã hội và có trách nhiệm với xã hội, cũng là có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình. Trong bối cảnh hiện nay, nhà báo rất dễ bị cuốn theo những yếu tố đi ngược lại với đạo đức của người làm báo. Việc lấy tin nhanh là cần thiết nhưng lấy tin ẩu là hỏng. Nhanh mà ẩu là không được, nhanh nhưng phải chắc. Giữa cái chắc và nhanh thì người làm báo phải tự điều chỉnh và đấy chính là năng lực của người làm báo. Do vậy, tôi nghĩ báo chí không phải là nghề dễ như nhiều người tưởng là đi chép lại, đọc lại; người làm báo phải sử dụng “bộ lọc” của mình để ra được sản phẩm gắn tên của mình, tên của tờ báo của mình. 

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet:

“Cần phải chậm lại để nhìn nhận thông tin”

 

Cách đưa tin cảm xúc của MXH có thể chiếm được cảm tình của một nhóm người đọc nhất định, nhưng điều đó không đúng với số đông độc giả. Trên thực tế, những tin tức đánh vào cảm xúc dễ lôi kéo được độc giả hơn rất nhiều những tin tức có tính khách quan. Do chúng ta chỉ nhìn thấy những độc giả biểu thị cảm xúc chứ không thể nhìn thấy độc giả có đọc tin tức nhưng không thể hiện cảm xúc, dẫn đến những ngộ nhận rằng các tin tức đó chiếm được cảm tình nhiều hơn. Một số vụ thông tin sai trên MXH gần đây đã chứng mình điều đó.

Theo tôi, nhà báo cần coi MXH là một loại nguồn cung cấp thông tin có mức độ lan tỏa nhanh và mang tính cảm xúc cá nhân cao. Đứng trước nguồn tin như vậy thì trách nhiệm của nhà báo là phải biết nghi ngờ. Điều cần thiết nhất theo tôi chính là kiểm chứng, kiểm chứng và kiểm chứng. Nhà báo chỉ nên và chỉ được sử dụng những thông tin đã được kiểm chứng. Đặc biệt, trong cơn lốc thông tin, chúng ta cần phải chậm lại để nhìn nhận thông tin dưới cái nhìn nhiều chiều và khách quan hơn. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu để kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, các bức ảnh, hay các tài khoản trên MXH. Các mạng xã hội như Facebook hay Google đều có các tính năng để giúp nhà báo thực hiện điều này.

Có ý kiến thắc mắc: “Kiểm soát MXH thế nào để có thể định hướng dư luận xã hội?”. Tôi cho rằng, kiểm soát MXH là điều không khả thi, muốn định hướng dư luận xã hội tốt thì trước hết chúng ta phải minh bạch thông tin, càng có ít nội dung nhạy cảm thì càng ít có đất để các thế lực thù địch lợi dụng. Thứ hai là, chúng ta cần phản ứng nhanh với các thông tin sai xuất hiện trên MXH. Khi chúng ta có thông tin càng sớm thì sự lan tỏa của thông tin sai càng bị hạn chế. Thứ ba là, các cơ quan quản lý cần được trang bị kỹ năng và khả năng để phản ứng trước mọi thông tin xuất hiện trên MXH.

Bà Annette Novak, Cao ủy phụ trách báo chí của Chính phủ Thụy Điển:

Nhà báo phải luôn xác minh nguồn tin

Trong thời đại nào thì hoạt động báo chí và truyền thông cũng cần có trách nhiệm. Những học giả của Thụy Điển cho rằng không có tính khách quan mà luôn luôn có tính chủ quan trong viết bài. Nếu có thông tin trên MXH thì các nhà báo cần phải truy nguyên xem nguồn tin đó có đúng hay không, ngoài ra, báo chí cũng phải có nguồn riêng của mình. Khi làm việc ở văn phòng, theo dõi trên mạng, đôi lúc chúng ta cũng nhận được những thông tin hữu ích, nhưng nhà báo phải luôn cố gắng đến hiện trường và gặp gỡ với các đối tượng liên quan để xác minh nguồn tin; không nên quá nhanh cho việc click mà cần phải lắng nghe, phản hồi và có tư duy phán đoán. 

Tôi luôn phản đối sự hấp tấp quá, báo chí không chỉ thực hiện trong 2 giây. Bởi về mặt ngắn hạn, khi có tin tức cập nhật nhanh thì sẽ có nhiều người theo dõi, nhưng về dài hạn, trang tin đó sẽ mất đi sự tin tưởng của độc giả vì chất lượng kém. 

Vân Anh - Hà Dung (thực hiện)

Đọc thêm