Vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội thảo “Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” do Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế tổ chức sáng nay (7/12) để minh chứng cho vai trò của thông tin và truyền thông (TTTT) đối với ngành y tế vốn có nhiều vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến “sự sống, cái chết” của mỗi người.
Cẩn trọng, đúng mực để không kích động dư luận
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn lưu ý yêu cầu này đối với công tác TTTT, nhất là trong lĩnh vực y tế vì lĩnh vực y tế là lĩnh vực rất lớn, liên quan đến sinh mệnh của con người.
Theo Bộ trưởng, truyền thông về lĩnh vực y tế đòi hỏi các cơ quan truyền thông, đội ngũ phóng viên phải có sự am hiểu về lĩnh vực y tế và có kỹ năng truyền thông phù hợp.
Đồng thời có khả năng đánh giá tác động tránh gây hiểu lầm và tạo tác động không tốt, thậm chí gây kích động đối với người dân.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn hy vọng sẽ có nhiều giải pháp để phát huy được vai trò của TTTT đối với lĩnh vực y tế |
Để đạt được hiệu quả TTTT về công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe cộng đồng, Bộ trưởng Bộ TTTT thấy cần “nâng cao năng lực hoạt động và kỹ năng thông tin truyền thông và giáo dục sức khỏe cho các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng.
Xây dựng chương trình truyền thông phù hợp với từng vùng miền, lĩnh vực, mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động TTTT để nâng cao nhận thức với quan điểm “sức khỏe cho mọi người và mọi người vì sức khỏe”.
Trước đây, từ tâm lý “kỳ thị” báo chí vì “mặc định là nhà báo hỏi là chỉ viết xấu về ngành y” khiến cả ngành y tế và báo chí đều phải gánh hậu quả, cũng như khiến người dân cùng chịu thiệt thòi do không có thông tin chính thống, thống nhất về hoạt động y tế.
Trong những năm gần đây, ngành y tế đã có sự thay đổi về cách nhìn nhận và tạo bước ngoặt trong công tác truyền thông. Theo đánh giá của nhiều nhà báo mảng y tế, nhờ việc cung cấp thông tin kịp thời, nhiều vấn đề, sự cố của ngành y tế đã được phản ánh đa chiều, giúp dư luận bớt “sóng gió” như vụ chặn xe bệnh nhân ở Bệnh viên Nhi T.Ư.
Đồng thời, truyền thông đã giúp ngành y ngăn chặn dịch bệnh thông qua cung cấp thông tin để người dân hiểu, chủ động phòng bệnh, không hoang mang trước nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Do vậy, qua thực tiễn tác nghiệp truyền thông trong lĩnh vực y tế, nhiều nhà báo bày tỏ hy vọng, “cái “bắt tay” giữa ngành y tế và báo chí sẽ ngày càng bền chặt và hiệu quả”.
Truyền thông giúp y tế đối phó sự cố
Ngành y tế là ngành nhạy cảm, đụng chạm đến không chỉ là sức khỏe mà là tính mạng, cận kề “cái sống, cái chết” nên người dân đòi hỏi rất cao đối với ngành.
Trong khi đó, “ngành y tế vừa mang tính chất kinh tế, kỹ thuật vừa mang tính chuyên môn sâu nên truyền thông không tốt sẽ không hiểu” – Bộ trưởng Y tế giải thích.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, "công tác truyền thông rất quan trọng, nhiều vấn đề phải giải quyết bằng truyền thông trước". |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, truyền thông đã giúp người dân nhận thức được cách phòng bệnh và chữa bệnh và trong mỗi cá nhân đều có thông tin, thái độ tốt để chăm sóc sức khỏe.
Giúp người dân và nhà quản lý, các đối tác hiểu được chủ trương, chính sách của ngành. Đặc biệt, truyền thông đã giúp ngành y tế giải quyết các sự cố trong công tác điều hành, cuộc sống và công tác truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận xét, “Truyền thông đã giúp giải quyết sự cố nhưng cũng có thể đẩy sự cố lên đỉnh điểm và chính truyền thông lại “hạ hỏa” sự cố đó như vụ việc nước mắm truyền thống và công nghiệp…”.
Đặc biệt qua thực tiễn công tác truyền thông y tế, ngành y tế nhận thức rất rõ, “chỉ vì quyền lợi, lợi ích của người dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ đi đúng đường cả về chính sách, hành vi và cả chuyên sâu giải quyết khủng hoảng. Nếu không thì chắc chắn lúc nào đó sẽ rơi vào khủng hoảng”.