Cảng cá Sông Gianh là một trong những cảng cá lớn nhất tại Quảng Bình với hàng trăm tàu bè cùng ngư dân trong, ngoài tỉnh tấp nập ra vào. Cùng với đó, hoạt động phục vụ hậu cần nghề cá của các doanh nghiệp nơi đây cũng rất sôi động.
|
Hàng trăm tàu cá tấp nập thường xuyên ra vào Cảng cá Sông Gianh. |
Những lời kể trái chiều
Vào khoảng 19h ngày 5/10, khi tàu dầu mang số hiệu QB 1658 của Công ty TNHH Xăng dầu Hải Ngân (ở thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch) đang bơm dầu cho một tàu cá Bình Định thì xảy ra mâu thuẩn, ẩu đả với người của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Việt Trung QB (ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch).
Vụ xâu ẩu này khiến nhiều người bị thương. Trong đó, ông Nguyễn Việt Trung (SN 1971, trú tại thôn Thanh Gianh) - Giám đốc Công ty Việt Trung cùng công nhân Lê Hữu Thắng (SN 1994, trú cùng thôn) đã nhập viện điều trị.
|
Ông Nguyễn Việt Trung, Giám đốc Cty Việt Trung khi đang nằm viện. |
Ông Trung thông tin, nguyên nhân là do công nhân của công ty đã bán dầu và đá lạnh cho tàu cá mang số hiệu BĐ 92077TS (chủ tàu là ông Lê Ngọc Trụ, trú tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Ngân.
“Khi tàu ông Trụ về thì tàu dầu của Hải Ngân chạy theo và cặp vào cầu dầu của công ty tôi. Sau một hồi đôi co, ông Hải (Giám đốc Công ty Hải Ngân) tuyên bố nếu không lấy dầu của Hải Ngân thì tàu này sẽ không được nhập của ai” - ông Trung nói.
Anh Lê Hữu Thắng cho biết về sự việc: “Khi xảy ra đánh nhau, người tên Doãn (tức Nguyễn Tiến Doãn, SN 1990, trú tại thôn Tiền Phong, công nhân của Hải Ngân) cầm dao chém phía sau lưng thì em quay lại, người đang giằng co với em là anh Phương (Nguyễn Văn Phương, SN 1994, cũng là công nhân của Hải Ngân trú cùng thôn) giật dao, bập vào tai em và em nhảy xuống sông”.
|
Anh Lê Hữu Thắng khi điều trị tại bệnh viện. |
Theo quan sát của phóng viên PLVN, ông Trung bị một vết thương ở chân phải, anh Thắng bị rách ở tai và vai trái, vết thương không quá nghiêm trọng. Về phía Công ty Hải Ngân, ông Hải và anh Phương bị xây xát, có vết sưng ở mặt nhưng không đến bệnh viện để kiểm tra.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm gặp người trực tiếp liên quan đến vụ việc là Giám đốc Công ty Hải Ngân - ông Nguyễn Văn Hải (SN 1980, trú tại thôn Tiền Phong). Ông Hải khẳng định, sự việc không như thông tin phía Công ty Việt Trung và cho biết, mình không lớn tiếng thách thức việc phải lấy dầu của ai như lời ông Trung nói.
Theo ông Hải, 2 ngày trước trước khi xảy ra vụ việc, ông liên hệ qua điện thoại với ông Lê Ngọc Trụ để hẹn 2 bên sẽ mua bán dầu với nhau. Đến chiều 5/10, khi tàu ông Trụ chuẩn bị vào bờ thì ông Hải tiếp tục liên lạc và cho ghe ra đón tàu vào cảng để bán dầu.
|
Ông Nguyễn Văn Hải (trái) cho biết, sau khi ông bị đạp ngã thì người của Việt Trung lao theo sang tàu để tiếp tục đánh ông. |
Ông Hải cho hay: “Khi tàu BĐ 92077TS cặp vào cầu của Công ty Việt Trung thì tàu của công ty tôi cũng cặp bên nách tàu cá này để chuẩn bị bơm dầu vì đã có thỏa thuận trước. Được chủ tàu đồng ý, chúng tôi mới kéo cò sang tàu BĐ 92077TS để họ tự bơm vào. Đang bơm thì anh Trung chạy đến giật cò bơm khiến dầu chảy ra sàn tàu nên tôi chạy đến giữ anh Trung lại. Lập tức, một người lao đến đạp sau lưng khiến tôi ngã sang tàu dầu của mình và 3 người lao theo để đánh tôi. Đang giằng co thì tôi với 1 người họ bị rơi xuống sông”.
Cũng về phía Công ty Hải Ngân, cả anh Doãn và anh Phương đều khẳng định, người của Công ty Việt Trung đã sang tàu dầu của công ty mình đánh ông Hải trước. “Khi chú Hải bị đánh thì em vào can ngăn nhưng cũng bị vùi, bị đấm túi bụi, ngã xuống giữa tàu. Thoát ra được thì em vớ được cái dao nhưng không ý thức được và theo phản xạ khua vào cho họ sợ thôi”, anh kể.
|
Ông Hải kể lại vụ xô xát xảy ra trên tàu dầu của mình. |
Tin đồn “côn đồ bảo kê” cảng cá
Còn ông Nguyễn Ngọc Trụ, chủ tàu cá BĐ 92077TS – người chứng kiến vụ ẩu đả cho biết: “Anh Hải liên lạc trước và đưa ghe ra đón nên tôi mới đồng ý mua dầu. Khi đang bơm dầu thì ẩu đả xảy ra trên tàu dầu, chúng tôi hoảng quá liền nhổ neo chạy tránh”.
|
Sự việc xảy ra ngay bên cầu dầu của Công ty Việt Trung. |
Khi tiếp xúc với Việt Trung, doanh nghiệp này cung cấp một tập giấy ghi rõ mốc thời gian với tiêu mục: “Cộng sổ anh Nam” ghi số tiền rất cụ thể trích % theo số lượng đá lạnh, lít dầu bán ra. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, là bằng chứng tố cáo ông Nguyễn Văn Nam (SN 1969, trú tại thôn Tiền Phong - anh ruột ông Hải) là “ông trùm” đứng đầu tổ chức hoạt động “bảo kê” Cảng cá Sông Gianh.
Theo thông tin này, chúng tôi gặp ông Nam để tìm hiểu thực hư. “Khi ẩu đả tôi không hề hay biết. Tôi đang sửa máy bơm thì ông Nguyễn Văn Lào (Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, anh ruột ông Nguyễn Việt Trung) gọi điện thông báo về việc ẩu đả. Tôi gọi anh Trung và nói hãy bình tĩnh, sai đúng đâu còn có đó, còn tình làng nghĩa xóm” – ông Nam cho hay.
|
Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, gia đình ông gần như khủng hoảng sau vụ việc mình bị gán oan là "ông trùm bảo kê" cảng cá. |
Về thông tin bảo kê, ông Nam nói với vẻ rất bức xúc: “Sự việc ẩu đả không liên quan đến tôi. Vì thù oán gì mà ông Trung loan tin như vậy?. Tôi làm ăn đàng hoàng, giờ gán cho tôi là ông trùm, là đứng đầu bảo kê 12 năm qua. Con cái tôi mang tiếng với xã hội, gia đình tôi giờ nhìn được mặt ai?”
Ông Nam giải thích, khi nhiều mối tàu muốn nhập đá, dầu từ gia đình mình nhưng không đủ sức phục vụ hết nên ông giới thiệu lại cho người khác để ngư dân kịp thời ra khơi. Người ta bán được dầu, đá nên tự nguyện trích ít lãi để cảm ơn vì công giới thiệu. Chưa bao giờ ông yêu cầu số tiền, % bao nhiêu.
“Cả gia đình tôi suốt nhiều ngày qua gần như khủng hoảng. Nếu tôi là ông trùm thì chẳng lẽ ông Lào – Chủ tịch xã 2 nhiệm kỳ không biết hay tiếp tay cho tôi cướp tiền của em trai mình? Chưa kể trên địa bàn có đồn công an, biên phòng. Tôi khẩn cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ ai đúng, sai để trả lại danh dự cho tôi và gia đình”, ông Nam bày tỏ.
|
Hai anh em ông Nam và ông Hải rất bức xúc khi bị dính tin đồn rằng họ là "nhóm côn đồn", là "bảo kê" và mong sớm được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. |
Sau khi vụ ẩu đả xảy ra, lực lượng công an và biên phòng đã có mặt để điều tra vụ việc. Theo trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an huyện Bố Trạch, cơ quan điều tra đang tiến hành làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan.
Căn cứ vào mức độ sai phạm, cơ quan huyện này sẽ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Còn theo nguồn tin riêng của PLVN từ Đồn Biên phòng Lý Hòa khẳng định, không có nạn bảo kê tại Cảng cá Sông Gianh.
Việt Trung và Hải Ngân đều là những doanh nghiệp hoạt động trong hậu cần nghề cá cho ngư dân bám biển vươn khơi và đều có mối liên kết làm ăn với nhau thuận lợi. Vụ ẩu đả và tin đồn bảo kê cho cho đến nay vẫn còn tạo ra tâm lý hoang mang, bất ổn cho không chỉ người dân địa phương, các doanh nghiệp mà còn đối với cả đông đảo ngư dân khi vào neo đậu, mua bán tại cảng cá này.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức trách cần sớm điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật để trả lại sự bình yên cho Cảng cá Sông Gianh.