Sự việc 'tự đổi đất với nhau' tại xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội): Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ vào cuộc xác minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau nhiều năm kể từ khi các hộ dân đổi đất với nhau dưới sự chứng nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội), đến nay nhiều hộ dân có đơn đề nghị giải quyết hệ quả.
Khu đất cũ nhà ông Long đã được xã xây công trình, nhưng đất mới ông chưa được nhận. (Ảnh: Gia Hải)
Khu đất cũ nhà ông Long đã được xã xây công trình, nhưng đất mới ông chưa được nhận. (Ảnh: Gia Hải)

Đơn của một số hộ dân tại đội 8, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, TP Hà Nội cho rằng, họ không nhận được đất dịch vụ sau khi đã đổi theo hướng dẫn của một số cá nhân và xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã.

Theo đơn, năm 2007, cán bộ huyện có chỉ đạo xuống xã, sau đó lãnh đạo UBND xã đã giao đội 8, thôn Trát Cầu “tiến hành thu hồi đất” để thực hiện “dự án điểm công nghiệp làng nghề xã Tiền Phong”. Cán bộ xã được cho là thông báo người dân có đất bị thu hồi tại dự án sẽ được bồi thường bằng tiền cùng với suất đất dịch vụ.

Mặc dù không có đất thuộc vào dự án trên, nhưng gia đình ông Lê Văn Long, ông Lê Văn Tuấn, ông Lê Văn Hùng, ông Đỗ Duy Thục đã đổi đất cho một người khác có đất bị thu hồi tại dự án trên; để dự kiến sau đó sẽ được “bồi thường bằng tiền cùng với suất đất dịch vụ”. Trên “Giấy thỏa thuận chuyển đổi ruộng canh tác” của các hộ, có xác nhận của ông Lê Văn Dũng (Trưởng thôn); và con dấu, chữ ký của ông Nguyễn Hưng Đán (Phó Chủ tịch UBND xã) thời điểm đó.

Cũng theo ông Long, cả 4 gia đình sau đó đều đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở đất dịch vụ 10% về UBND xã theo hướng dẫn của các cán bộ thôn, xã. Trong “danh sách diện tích các hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án điểm công nghiệp làng nghề Tiền Phong và khu đất dịch vụ làng nghề Tiền Phong”, ở phần ghi chú có viết tên của những người được nhận cùng với các hộ đã đổi đất với nhau.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm trôi qua, dù đã nhiều lần yêu cầu cán bộ địa phương giao “đất dịch vụ” như đã hứa hẹn, 4 hộ dân trên vẫn chưa được nhận; còn mảnh đất cũ của họ đã được địa phương sử dụng vào mục đích khác. Trong đó nhà ông Long 416m2, ông Tuấn 365m2, ông Hùng 328m2, ông Thục 302m2. “Chúng tôi mong địa phương xem xét, tạo điều kiện để sớm bàn giao đất dịch vụ. Nếu không bàn giao được đất dịch vụ thì trả lại đất đã đổi của chúng tôi”, đơn nêu.

“Giấy thỏa thuận chuyển đổi ruộng canh tác” có xác nhận, chữ ký và đóng dấu của Chủ tịch UBND xã. (Ảnh: Gia Hải)

“Giấy thỏa thuận chuyển đổi ruộng canh tác” có xác nhận, chữ ký và đóng dấu của Chủ tịch UBND xã. (Ảnh: Gia Hải)

Về vấn đề này, cán bộ địa chính xã Tiền Phong thông tin: “Xã đã nhận được đơn của các hộ dân. Thời điểm xảy ra việc đó, tôi đã làm cán bộ địa chính ở đây. Việc của các hộ dân bây giờ là phải có quyết định của UBND huyện mới giao được”.

“Người ta đứng ra thu xếp như thế nào (việc đổi đất - PV) là do đội hướng dẫn. Lúc này là đội 8 bố trí quỹ đất chứ không phải xã. Không hiểu là người ta sắp xếp như thế nào. Xã đã đề nghị với huyện nhiều lần rồi”, cán bộ địa chính xã nói.

Về phía UBND huyện Thường Tín, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ xác minh lại những phản ánh của người dân, sau đó sẽ có hướng xử lý đúng pháp luật.

Đọc thêm