Sức khỏe tinh thần, xin đừng bỏ qua!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sức khỏe về tinh thần quan trọng không kém thể chất. Một người muốn sống lành mạnh, hạnh phúc, cần cân bằng giữa việc rèn luyện cả bên trong và bên ngoài.
Tinh thần lạc quan, tích cực có tác dụng lớn với con người. (Ảnh minh họa - Nguồn: leep.app)
Tinh thần lạc quan, tích cực có tác dụng lớn với con người. (Ảnh minh họa - Nguồn: leep.app)

Tác dụng bất ngờ của tinh thần lạc quan

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều người vẫn “bán tín bán nghi” khi nhắc đến lợi ích của tinh thần đối với cơ thể. Đa phần, mọi người đều cho rằng, một cơ thể khỏe mạnh sẽ liên quan đến chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi, chứ không nghĩ rằng bản thân mỗi người có thể phòng ngừa bệnh tật nhờ giữ tinh thần lạc quan.

Thực tế, đã chứng minh, một tinh thần khỏe mạnh tác động rất tốt đến con người. Vào năm 2023, câu chuyện của bà Phạm Thị Lũng Hà (78 tuổi) quê ở Hải Phòng đã làm nhiều người cảm phục. Bà bị ung thư trực tràng đã 7 năm, mười hai lần hóa trị, nhưng nhìn bà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như bao người bình thường khác. Được biết, sau khi chẩn đoán mắc bệnh, bà Hà nghiên cứu kĩ bệnh tình để lên kế hoạch điều trị. Sau 7 năm sống chung cùng ung thư, bà đưa ra ba kết luận: giữ một tinh thần lạc quan, chăm chỉ vận động, ăn uống lành mạnh chính là “chìa khóa” để chiến đấu với căn bệnh này. Nhờ suy nghĩ tích cực, lạc quan nên bà không mặc cảm về căn bệnh của mình và vẫn thường xuyên ra ngoài tiếp xúc với mọi người, xây dựng một chế độ ăn đầy đủ chất, chăm chỉ vận động bằng các môn thể thao nhẹ nhàng.

Câu chuyện thứ hai của cụ bà Riko Tanaka (sinh năm 1903) tại Nhật Bản, từng được sách kỷ lục Guinness công nhận là cụ bà lớn tuổi nhất thế giới vào năm cụ 116 tuổi là một minh chứng cho lợi ích của sức khỏe tinh thần. Có một thời gian dài, bí quyết sống lâu của cụ bà Riko Tanaka được nhiều người trên thế giới học hỏi. Điều đầu tiên, đó là cụ luôn sống lạc quan, tích cực. Các nhân viên viện dưỡng lão và con cháu của cụ Tanaka đã xác nhận điều này, cụ luôn xuất hiện với nụ cười tươi và tính cách hài hước, thân thiện, hòa đồng. Cũng nhờ suy nghĩ vui vẻ, lạc quan, cụ đã hai lần chiến thắng căn bệnh ung thư. Ngoài ra, cụ bà Riko Tanaka không phải là một người chăm chỉ tập thể thao, nhưng cụ rất chịu khó rèn luyện trí não. Cụ Tanaka thích giải toán, giải câu đố, giải trò chơi ô chữ in trên tạp chí... Cụ thường xuyên rủ những ông, bà cụ khác trong viện chơi cùng và dễ dàng chiến thắng họ. Việc luôn để cho trí não hoạt động, giúp cụ tránh được căn bệnh đãng trí, Alzheimer và luôn tỉnh táo, minh mẫn cho đến lúc cụ qua đời.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Elizabeth Helen Blackburn thuộc Trường Đại học California (San Fransico, Mỹ) đã chỉ ra rằng, nếu một người muốn sống khỏe mạnh đến 100 tuổi thì vai trò của sự cân bằng tâm lý chiếm gần 50%. Chế độ ăn uống hợp lý chiếm khoảng 25%, các yếu tố khác chiếm 25%. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tâm lý cân bằng, ổn định chính là phương pháp kéo dài tuổi thọ một cách hiệu quả. Giữ được sự cân bằng về tinh thần chính là đang nắm giữ “chìa khóa” của sức khỏe và tuổi thọ.

Đặc biệt, tinh thần lạc quan còn giúp mọi người vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống. Như nữ diễn viên Quách Thu Phương (sinh năm 1977) từng bị trầm cảm sau sinh. Căn bệnh về tinh thần khiến cô suy sụp, buộc phải tạm dừng sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao trong suốt 13 năm, mới đây cô mới quay trở lại với màn ảnh nhỏ. Nữ diễn viên từng chia sẻ, cô bị trầm cảm một thời gian dài, chỉ sau khi giải tỏa được các vấn đề về tinh thần, quyết định sống lạc quan, tập yoga, nữ diễn viên mới thoát khỏi căn bệnh trầm cảm. Cô từng nói: “Tôi cũng tin sẽ có một tình yêu đẹp đến với mình vì tôi là người sống tích cực và biết yêu bản thân, yêu mọi người”.

Hiện nay, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tinh thần lạc quan thường sẽ dễ dàng tìm và thực hiện các thói quen lành mạnh như tập thể thao, ăn uống điều độ. Một nghiên cứu trên 7.000 người trưởng thành cho thấy những người có sức khỏe tinh thần tốt khả năng cao sẽ ăn các loại trái cây tươi và rau quả hơn 47% so với những người ít hạnh phúc. Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chỉ ra, những người có suy nghĩ tích cực thường chăm chỉ vận động thể chất hơn 33%.

Học cách để giữ sức khỏe tinh thần

Cách để giữ một tinh thần ổn định, lạc quan, tích cực có lẽ là sự cân bằng cả ở tâm hồn và thể chất của mỗi người. Thực tế đã chứng minh, có không ít những huấn luyện viên, người mẫu thể hình gặp phải stress, trầm cảm. Lấy ví dụ, Stephanie Buttermore, một huấn luyện viên gym chuyên nghiệp đã rơi vào trạng thái tinh thần sa sút, luôn lo lắng, căng thẳng để giữ cơ thể mảnh mai và chế độ ăn uống khắt khe. Vào năm 2020, chính cô đã phải gặp các chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập. Từ một cô gái cao với lượng mỡ ít đến bất thường, cô dần quay trở lại thân hình đầy đặn, tinh thần vui vẻ nhờ việc ăn uống đủ chất và cân bằng luyện tập.

Điều này cho thấy, việc tập thể dục quá đà hay quá khắt khe trong ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc sẽ dẫn đến những căn bệnh về tinh thần ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, giữ cho một tinh thần tốt, cần phải điều hòa giữa việc rèn luyện cơ thể và “nuông chiều” bản thân. Ví dụ như, trước kia, những người tập thể thao thường sử dụng chế độ ăn uống eat clean, keto, nhịn ăn gián đoạn,... sau này, các nghiên cứu đã chứng minh, việc ăn uống kiêng khem một thời gian dài sẽ dẫn đến những áp lực trong tinh thần, khiến người ta mệt mỏi, dễ bực bội, không thể giảm cân nặng, thậm chí ngược lại còn tăng cân. Cho nên, hiện nay, nhiều người đã quay trở về với việc ăn uống cân bằng đạm - rau - tinh bột,...

Nguyễn Minh Phương (28 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết: “Tôi đã có bốn năm gắn bó với nhiều bộ môn thể dục, các chế độ dinh dưỡng khác nhau. Nhưng bất cứ chế độ ăn nào cũng không thể theo đuổi cả đời, vì ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, như việc luôn thèm ăn, bực bội, cáu kỉnh do kiềm chế bản thân quá đà. Hơn một năm gần đây, tôi ăn uống bình thường, đầy đủ chất, hạn chế những thực phẩm gây hại cho cơ thể. Nhu cầu bản năng và mong muốn khỏe mạnh của tôi được cân bằng, khiến tôi rất hạnh phúc”.

Tiếp theo, việc giữ tinh thần khỏe mạnh còn là sự cân bằng giữa thân và tâm. Ở đây hiểu đơn giản, cơ thể được vận động, nghỉ ngơi, thì trí não cũng cần như vậy. Chính vì thế, xu hướng trên thế giới hiện nay là tìm đến các khóa học thiền, khóa học tôn giáo để an định tinh thần. Trong Đạo Phật vốn có quan niệm tâm trí con người “hoang dại”, rối loạn giống như một chú ngựa bất kham. Mỗi người cần tự huấn luyện, điều chỉnh, thuần hóa con ngựa đó. Càng suy nghĩ nhiều, con người càng rơi vào bế tắc, đau khổ. Cho nên, ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, có không ít người ở mọi lứa tuổi, chọn việc “huấn luyện” suy nghĩ, bằng sự tập trung, an tĩnh, bình yên khi thiền định.

Vũ Đức Anh (32 tuổi, TP HCM) tâm sự: “Cuộc sống gia đình, công việc khiến tôi luôn có không ít trăn trở, suy nghĩ, nhiều hôm muốn ngủ, nhưng tâm trí không yên, cứ trằn trọc cả đêm. Lúc đấy, tôi mơ ước có khả năng “quản lý” được suy nghĩ, để tinh thần tích cực, lạc quan”. Việc ngủ ít khiến Đức Anh thường xuyên đau đầu, khó chú tâm vào công việc. Nhiều đêm, anh phải uống thuốc ngủ để có được một giấc ngủ ngon. Sau này, anh tìm đến chùa, rồi thiền định vào mỗi ngày cuối tuần ở câu lạc bộ. Lâu dần, anh học được cách tập trung, buông bỏ những chấp niệm ở trong lòng.

Cuối cùng, để có được sức khỏe tinh thần, tìm đến an yên trong tâm hồn, quan trọng nhất chính là tình yêu thương. Nhà Phật đã dạy con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Thế nhưng, người ta cứ hơn thua với đời làm gì? Khi mà lúc ra đi, tay trắng hoàn tay trắng, thân thể cũng trở thành cát bụi. Theo lời Phật thì cuộc đời vốn chỉ là phù du, hạnh phúc đến rồi đi như cơn gió thoảng qua, điều còn lưu lại nơi trần thế mãi là tình yêu thương bao la, hơi ấm của tình người. Cho nên, để có được một tinh thần an lạc, hạnh phúc, việc chia sẻ tình yêu thương, trân trọng từng khoảnh khắc được sống là “liều thuốc” tốt nhất.

Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều áp lực bủa vây con người. Dần dần, căn bệnh về tinh thần đã quen thuộc với hầu hết mọi người trong xã hội. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày nay có hơn 300 triệu người đã và đang phải chống chọi với “căn bệnh thầm lặng” này. Sự sa sút của tinh thần khiến rất nhiều người mắc các căn bệnh về tim mạch, huyết áp, thận, gan suy yếu,...