Tại Công ty CP cơ khí thiết bị điện Hà Nội: Pháp luật bị coi thường?

(PLO) - Sau khi phát hiện một số sai phạm và dấu hiệu vi phạm pháp luật của Chủ tịch Hội đồng quản trị, một số thành viên Cty Cổ phần Cơ khí – Thiết bị điện Hà Nội đã có đơn tố cáo, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được vãn hồi.
Tại Công ty CP cơ khí thiết bị điện Hà Nội: Pháp luật bị coi thường?
Những dấu hiệu bất thường
Báo PLVN ra ngày 4/10/2014 có bài “9 tháng chưa đưa vụ án ra xét xử” phản ánh việc các ông Trần Huy Thịnh, Đoàn Thế Sáng (cổ đông Cty Cổ phần Cơ khí - Thiết bị điện Hà Nội, địa chỉ số 75, ngõ 119, tổ 15, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi phát hiện một số sai phạm cũng như có dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT nên đã có đơn gửi Công an tỉnh Yên Bái và Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an. Tòa án thụ lý vụ án 9 tháng chưa xét xử...
Ngày 21/11/2014, TAND TP.Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp giữa thành viên Cty với Cty, giữa nguyên đơn ông Trần Huy Thịnh, Đoàn Thế Sáng, bị đơn ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty là người đại diện theo pháp luật.
Theo đơn khởi kiện, ngày 1/7/2013, bà Hiền, ông Dung, ông Thể, ông Kiên và ông Bằng làm đơn gửi HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) Cty yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nhiệm kỳ 2012, nhưng không nêu rõ mục đích, nội dung. Ngày 5/8/2013, sau khi bàn bạc, HĐQT quyết định chưa họp do chưa đủ tài liệu về tài chính, cổ đông và các vấn đề khác. Ngày 6/8/2013, ông Kiên, bà Hiền và ông Dung gửi yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường cho bà Lê Thanh Hiền – Trưởng BKS Cty, mục đích làm sáng tỏ mọi vấn đề của Cty, xây dựng lại bộ máy, xử lý vi phạm, khen thưởng cá nhân có công với Cty. Trong thời hạn 5 ngày, nếu BKS không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thì nhóm cổ đông trên sẽ đứng ra triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. Do yêu cầu không đúng với quy định của pháp luật nên BKS không triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.
Ngày 13/8/2013, ông Kiên gửi thông báo triệu tập ĐHĐCĐ bất thường cho các cổ đông do ông Kiên ký kèm một số tài liệu. Ngày 16/8/2013, sau khi nhận được thông báo, BKS đã gửi công văn cho ông Kiên, bà Hiền khẳng định việc ông Kiên thông báo triệu tập đại hội bất thường trước khi có văn bản chính thức trả lời của BKS là vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.
Đến ngày 19 và 21/8/2013, ông Thịnh, ông Sáng và Cty Vietnam Infrastructure Fortune Limited (VIFL), là cổ đông chiếm 48,5% vốn điều lệ đã gửi công văn cho ông Kiên và cổ đông Cty phản đối việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ vì cho rằng vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Cty…
Chủ tịch Hội đồng quản trị coi thường pháp luật
Mặc dù các cổ đông có đơn phản đối nhưng ông Kiên và nhóm cổ đông vẫn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 23/8/2013, thông qua Biên bản (số 480/2013/BB-ĐHĐCĐ) và thông qua Nghị quyết 
bất thường năm 2013 (số 478/2013/NQ-ĐHĐCĐ) cùng ngày. Điều khiến không ít cổ đông ngỡ ngàng đó là trong Nghị quyết “lại được nêu” các vấn đề không được đề cập trong thông báo triệu tập đại hội bất thường ngày 13/8/2013.
Sau khi nhận được thông báo về việc thực hiện Nghị quyết, ông Thịnh, ông Sáng cùng bà Hiền, ông Tuấn Anh (thành viên BKS) đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần nhưng Cty không trả lời. Về việc này, theo ông Thịnh, ông Sáng, ông Kiên cố tình tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bãi nhiệm một số thành viên HĐQT và BKS để ông Kiên và những người thân cận của ông vào những vị trí chủ chốt của Cty nhằm dễ bề thao túng hoạt động của Cty. Hành động này là vi phạm pháp luật. Tại tòa, các ông Thịnh, Sáng đề nghị TAND TP.Hà Nội tuyên hủy Biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 23/8/2013 của Cty.
Lý giải trong phiên tòa, bị đơn lại cho rằng việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường là theo đề nghị của nhóm cổ đông là cần thiết và đúng quy định vì trong các năm 2011, 2012 Cty không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Theo đó, việc Cty tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, thông qua biên bản và ra Nghị quyết ngày 23/8/2013 là đúng quy định tại Điều 97 Luật Doanh nghiệp…
Sau khi xem xét, đánh giá, HĐXX TAND TP.Hà Nội cho rằng:…Về điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ bất thường năm 2013, Cty Cổ phần Cơ khí - Thiết bị điện Hà Nội xác nhận Cty VIFL là cổ đông, nhưng lại không cho phép VIFL quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ là vi phạm quyền lợi của Cty VIFL là cổ đông chiếm hơn 48% cổ phần của Cty. Đại hội được tiến hành sau khi triệu tập lần thứ nhất không đủ 65% số cổ đông có quyền biểu quyết tham gia là vi phạm Điều 102 Luật Doanh nghiệp. Nội dung Nghị quyết có sự vi phạm khi quyết định phạt tiền cổ đông và trừ vào số cổ phần của cổ đông  tại Cty trái với việc xử phạt, khen thưởng theo quy định của pháp luật…
Từ những phân tích trên, TAND TP.Hà Nội đã tuyên hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 23/8/2013 của Cty Cổ phần Cơ khí - Thiết bị điện Hà Nội.
Ông Thịnh, ông Sáng cho biết thêm: Việc tố cáo ông Kiên có dấu hiệu làm giả hồ sơ, tài liệu đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành xác minh. Sai phạm của ông Kiên cũng đã được phản ánh đến Ngân hàng Phát triển (VDB)Việt Nam, Chi nhánh Yên Bái đề nghị Ngân hàng tiếp tục thực hiện thỏa thuận giữa VDB Yên Bái và Cty theo biên bản làm việc các ngày 20/11/2012, 10/9/2013 và 28/5/2014 đã được phê duyệt bởi HĐQT được bầu hợp pháp…

Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm