Tai họa vì chữa bệnh cho con bằng… “thuốc trên mạng”

(PLO) - Không ít các bà mẹ vội tin vào những bài thuốc truyền tai nhau hoặc quảng cáo trên mạng mà phải mang con đi cấp cứu.
Con bị nổi mẩn da, đi bác sĩ vài lần không khỏi, sốt ruột, chị Lê Mỹ T. ở Phan Huy Ích, Tân Bình, TP.HCM đã nghe bạn bè, lên mạng đặt mua thuốc bôi gia truyền của một bà mẹ “tự bào chế”. Loại thuốc này được quảng cáo là chiết xuất từ trà xanh, lá cỏ mực và một số thảo dược gia truyền khác, đã được nhiều mẹ khác xác nhận là sau khi bôi thì con khỏi hẳn. 
Yên tâm, chị Mỹ T. mua thuốc với giá khá đắt (120 ngàn/chai thuốc nước 100ml). Bôi ngày đầu, con chị đỡ mẩn hẳn, chị rất mừng, nhưng ngày thứ hai, các nốt mẩn có dấu hiệu nổi mạnh hơn, đến ngày thứ ba thì lan khắp người và mưng mủ. Hoảng sợ, gia đình chị vội đưa cháu đến bệnh viện. 
Theo bác sĩ, lý do là trong dung dịch thuốc này có một thành phần làm da trẻ bị dị ứng. Da trẻ con rất mẫn cảm, các loại thuốc gia truyền này không rõ thành phần gồm những gì, ngay cả cách thức pha chế cũng chẳng biết có vệ sinh hay không… rất dễ gây hại đến sức khỏe của trẻ. May mà chị T. đã ngưng bôi và kịp thời đưa con đến bệnh viện, nếu không thì…
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Cũng vì sốt ruột con ho, đờm nhiều, chị Phương Loan (Thành Thái, quận 10) đã đặt mua một lọ mật ong ngâm chanh đào đặc chế trị ho cho trẻ được quảng cáo trên mạng xã hội. Giá lọ mật ong chanh đào khá cao so với giá thành thật sự vì có bổ sung một số tinh chất trị ho từ là bạc hà, gừng Nhật như quảng cáo của người bán. Cũng theo cam kết của người bán, cho trẻ uống một ngày 2 muỗng, sáng và tối chỉ trong vòng 2-5 ngày sẽ hỏi hẳn viêm, đau họng.
Vì thế, sau khi mua về cho con uống hai, ba ngày thấy con vẫn chưa giảm ho, chị vẫn cứ cố cho uống. Đến một tuần sau bệnh con nặng hơn, khò khè không dứt, đưa vào bệnh viện bác sĩ mới thông báo con chị bị viêm đường hô hấp cấp, loại mật ong ngâm chanh căn bản không thể trị hết bệnh cho cháu. Chính vì chị Loan tin vào “thần dược trên mạng” nên suýt nữa hại con, vì nếu nhập viện trễ hơn, con chị có nguy cơ suy hô hấp cấp, ảnh hưởng đến tính mạng.
Một thời gian, trên mạng cũng rộ lên sự việc một bà mẹ bán thuốc tăng cân cho trẻ “nhập khẩu từ Đức”, thu lợi hàng trăm triệu đồng, sau đó các bác sĩ nghiên cứu thuốc mới phát hiện ra trong thuốc có chứa nhiều thành phần rất độc hại, có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, khớp xương của trẻ em.
Không chỉ tự ý mua thuốc trên mạng cho con uống để trị bệnh, nhiều bà mẹ còn lạm dụng mạng internet như một nguồn tham khảo chính thống khi cần chăm sóc sức khỏe, trị bệnh cho con. Nào là dùng B1 trộn với mật ong giúp con hết biếng ăn, dùng các bài thuốc dân gian từ lá, để trị các bệnh hen suyễn, dị ứng, đau bụng… cho bé. 
Những cách trị bệnh lấy từ internet này chưa được xác nhận của các chuyên gia y tế, các bác sĩ… và còn mang nặng tính “hên xui”. Không ít trường hợp cha mẹ phải đưa con nhập viện do biến chứng nặng nề vì dùng thuốc “theo hướng dẫn từ internet”. Trẻ em rất mong manh, sức khỏe của con là điều phải thận trọng. Bởi thế, dùng thuốc có kê toa, có nguồn gốc, có tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ luôn là điều cha mẹ nên làm khi con bị bệnh./.

Đọc thêm