Tại sao cậu bé Bảo phải tự học trên vỉa hè TP HCM?

(PLVN) - Hình ảnh cậu bé Trần Hoàng Bảo (10 tuổi) theo dì và mẹ lang thang trên vỉa hè quận 1 (TP HCM) gây xúc động mạnh trên mạng xã hội những ngày qua với tấm ảnh ngồi trên vỉa hè viết chữ cùng một người phụ nữ. Điều khiến không ít người trăn trở tại sao cậu bé đó không thể đến trường?.
Hình ảnh cậu bé Hoàng Bảo học tập ở vỉa hè Sài Gòn gây xúc động trong cộng đông
Hình ảnh cậu bé Hoàng Bảo học tập ở vỉa hè Sài Gòn gây xúc động trong cộng đông

Mẹ và dì của Bảo đã thay nhau dạy chữ cho em với những suy nghĩa đơn sơ, cho con biết chữ a,b,c..., biết tính toán đơn giản để sau này lớn làm việc gì đó đỡ vất vả hơn dì, mẹ.

"Cháu nó cũng thông minh, học thuộc 24 chữ cái rồi, giờ dạy nó viết nữa là xong. Tôi cũng muốn dạy nó làm toán nhưng không biết nhiều lắm, chỉ biết tính vài ba đồng lẻ", chị Linh, mẹ của Bảo tâm sự.

Việc học đang khó khăn với ba người này khi họ sống nay đây mai đó, kiếm cơm qua ngày. Việc đến trường như một giấc mơ trong giấc ngủ chập chờn giữa náo nhiệt xe cộ trên vỉa hè TP HCM.

Chị Linh cho biết họ quê gốc ở TP HCM, vì gia đình sa sút mà không còn nhà cửa, phải lang thang bán rong khắp các con đường quanh chợ Bến Thành, những nơi có quán ăn, chỗ đông người.

Theo lời chị Linh, “Bảo không được đi học vì không có giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân”.

Chị Linh nói rất muốn đưa con đi học nhưng lại "lực bất tòng tâm". “Ăn uống đã khó khăn, giấy tờ tùy thân không có, muốn cho con đi học lắm nhưng không thể làm được", chị Linh giãi bày thêm.

Người mẹ nghèo cũng chia sẻ có nhiều nhà hảo tâm, tổ chức xã hội hỏi thăm mẹ con chị nhưng cũng chưa giúp được cậu bé đến trường.

Luật giáo dục 2005 ghi rõ trong Điều 10. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình”.

Khoản 2. Điều 89 của Luật Giáo dục cũng nêu rõ: “Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn vượt khó học tập”.

Chúng ta có hệ thống luật pháp vững chắc, bảo vệ quyền con người, có hệ thống của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể ở các địa phương, có phúc lợi xã hội…để mọi người đều có quyền được học tập.

Nhưng tại sao một đứa trẻ như Bảo lại khó khăn khi xin đi học? Đó là điều lạ lùng. Phải chăng có sự thờ ơ, vô cảm của đại diện cơ quan đoàn thể ở địa phương?.

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, cha mẹ dù không có điều kiện, nhưng vẫn muốn con cái đến trường để chúng có cuộc sống tốt hơn mình. Hình ảnh gia đình cậu bé Hoàng Bảo học bên vỉa hè dưới ánh đèn đường đã nói lên điều đó. 

Trách nhiệm đưa cậu bé Hoàng Bảo đến trường thuộc về ai?.

Đọc thêm