Tam Điệp, Ninh Bình: Vợ chủ tịch phường “mượn” đất thủy lợi

(PLVN) - Văn bản trả lời công dân của UBND phường Yên Bình (TP Tam Điệp, Ninh Bình) thể hiện ba gia đình cán bộ phường, tổ dân phố đã xây dựng công trình trên đất thủy lợi, đất thầu nuôi thủy sản và đất công. Đáng lẽ những công trình xây dựng không phép này phải bị cưỡng chế phá dỡ nhưng UBND phường lại cho rằng hành vi trên chỉ là “mượn đất”.
Nhà bà Phương bị cho là xây không phép.

Trước hàng loạt vi phạm về trật tự xây dựng tại phường Yên Bình, một số người dân ở đây bức xúc cho biết, tuy là người đứng đầu chính quyền địa phương nhưng ông Nguyễn Văn Cúc (Chủ tịch UBND phường Yên Bình) lại là một vi phạm dễ nhận thấy nhất.

Theo người dân thì dù thửa đất đã có lối đi trong làng nhưng khi làm nhà mới (2,5 tầng) tại tổ dân phố Lý Nhân, gia đình ông Cúc đã làm cầu kiên cố qua mương tưới tiêu và đổ bê tông hàng chục m đường tập thể để tạo ngõ mới đi thẳng ra đầu làng.

Trả lời tố cáo này, UBND phường Yên Bình cho biết, khi làm nhà, bà Hiên (vợ ông Cúc) có làm đơn xin mượn đất làm cầu qua mương tưới tiêu và tự nguyện đổ bê tông đường của Hợp tác xã (HTX) làm đi chung cho gia đình và xã viên. Bà Hiên cam kết khi nào HTX, Nhà nước thu hồi sử dụng vào mục đích khác thì gia đình xin trả lại mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Vường, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Bình thừa nhận: “Hiện nay, mương tưới tiêu trên vẫn được sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn việc xây dựng công trình trên đất thủy lợi như trên là sai”.

Tuy nhiên, ông Vường vẫn cố biện minh cho vi phạm của cấp trên rằng “HTX đã cho mượn đất”. Vậy, HTX có được phép tự ý cho cá nhân mượn đất để xây dựng công trình? Nếu ai cũng mượn đất như thế thì có còn là mương tưới tiêu? Trước câu hỏi này, ông Vường im lặng.

Nói về công trình của gia đình mình, ông Cúc cho hay: “Gia đình tôi xây nhà theo Giấy phép xây dựng do UBND TP Tam Điệp cấp”.  Vậy, theo bản thiết kế được phê duyệt thì công trình này có cổng mới đi ra đầu làng như thực tế hiện nay. Nếu không có thì có được coi là xây dựng đúng phép? Trước câu hỏi này của phóng viên,  ông Cúc cho hay: “Tôi cũng không xem kỹ bản thiết kế nhưng hình như không có cổng đi ở đó”.

Không chỉ có việc làm đường đi trên đất thủy lợi, gia đình ông Cúc còn có dấu hiệu xây dựng vượt ngoài phạm vi 200m2 đất ở theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp.

 Cầu dẫn vào nhà ông Cúc cũng bị cho là xây không phép. 

Trả lời về nội dung này, ông Cúc cho hay, nếu diện tích cả nhà cũ và nhà mới thì diện tích chưa đủ 200m2. Nhưng tính cả phần sân thì có thể tổng diện tích xây trên 200m2.Nếu thừa thì gia đình sẽ nộp tiền xin chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn liền kề thành đất ở”.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây thì việc chuyển mục đích sử dụng đất này không đơn giản vì phần đất vườn như ông Cúc nói thực chất là đất nông nghiệp, được Nhà nước giao sử dụng có thời hạn chứ không phải đất vườn liền kề có thời hạn sử dụng lâu dài.

Cán bộ “nêu gương” xấu?

Ngoài vi phạm của Chủ tịch UBND xã thì một công trình cũng gây bức xúc cho người dân ở đây là nhà và công trình trên đất thầu nuôi trồng thủy sản của bà Phạm Thị Phương (cán bộ phường Yên Bình).

Ông Nguyễn Duy Vường cho biết, gia đình bà Phương đã được Phòng Kinh tế, UBND TP Tam Điệp phê duyệt mô hình trang trại nuôi thủy sản (cá). Sau đó, bà Phương xin phép được xây dựng nhà tạm và được phường đồng ý. Ngôi nhà hiện nay có diện tích khoảng 100m2 nhưng chúng tôi vẫn xác định là nhà cấp 4 vì chỉ lợp mái tôn.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân thì ngôi nhà bà Phương là nhà kiên cố, có mái bằng bê tông (có mái tôn lợp bên trên để chống nóng và trang trí). Hơn nữa, UBND phường cũng không có thẩm quyền cho phép cá nhân được xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp.

Khác với ý kiến của ông Vường, Nguyễn Văn Cúc cho biết, chúng tôi chỉ đồng ý cho bà Phương dựng nhà tạm rộng khoảng 20 đến 25 m2. Khi phát hiện việc bà Phương xây nhà, chúng tôi đã giao anh Vường (tức ông Nguyễn Duy Vường) làm việc, lập biên bản yêu cầu dừng. Bà Phương cam kết là chỉ xây dựng bằng gạch bỉ, kèo sắt.

Trước việc nhà của bà Phương hiện xây dựng đã vượt quá nhiều lần so với sự cho phép của phường, ông Cúc cho biết, chúng tôi cũng đã vận động bà Phương phải gương mẫu chấp hành vì theo luật thì là sai. Có thể xê dịch đi nhưng dân ý kiến thì mình phải khắc phục.

“Người ta chỉ mượn đất, không lấn chiếm”

Cùng “mô hình” mượn đất như gia đình Chủ tịch phường, năm 2015, vợ ông Nguyễn Văn Dục (lúc này là Bí thư tổ dân phố Lý Nhân) đã làm đơn xin tổ dân phố cho “mượn” khu đất vốn là nơi tập kết rác chung. Sau khi được chi bộ, tổ dân phố đồng ý, gia đình ông Dục đã xây cơi cao tường bao xung quanh và trồng rau. Đáng nói, việc bức tường trên đây của gia đình ông Dục được xây ngay dưới đường điện cao thế và bao kín hai cột điện.

Thừa nhận việc thôn không có quyền cho cá nhân “mượn” đất công và đây là hành vi xây dựng trên đất công nhưng ông Nguyễn Duy Vường vẫn cho rằng “bây giờ xã có lấy đất ra thì cũng không làm gì. Người ta chỉ mượn đất, không lấn chiếm”.

Còn ông Nguyễn Văn Cúc cho biết thêm, sau khi có đơn thư tôi đã yêu cầu ký thuê thầu hàng năm.  Khi ông Dục báo cáo là không nhận thầu thì chúng tôi đề nghị phải trả lại đất cho phường.

Với trả lời trên đây, dư luận cho rằng dường như lãnh đạo UBND phường Yên Bình quên rằng việc xây dựng này đã vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện, cản trở việc sửa chữa và vận hành hệ thống truyền tải điện. Liệu chính quyền địa phương có vô can nếu xảy ra sự cố điện ở khu vực này?

Liên quan đến đường điện tại đây, một số người dân còn cho biết, từ năm 2009, gia đình ông Dục đã được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, việc cấp Giấy có dấu hiệu sai phạm khi gia đình ông Dục được công nhận hơn 88m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đường điện 35kV. 

Được biết, tại khu phố Đồi Cao 1 còn có trường hợp gia đình ông Vũ Khắc Cường cũng được cấp GCNQSDĐ tương tự như trên. Đáng nói, năm 2010, khi thực hiện tách thửa thì các chủ đất mới vẫn được công nhận quyền sử dụng phần đất thuộc hành lang lưới điện. 

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm