Tản mạn về chiếc nồi cơm điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dạo gần đây, hình ảnh chiếc nồi cơm điện xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà nhà, người người đều tập ôm nồi. Tôi bỗng để ý hơn đến cái nồi cơm điện nhà mình. Rồi bỗng sực tỉnh nhận ra thứ vô tri, vô giác trong nhà hóa ra cũng có nhiều ý nghĩa ra phết.
Ảnh minh họa - Pinterest

Ảnh minh họa - Pinterest

Ngày xửa ngày xưa, khi gia đình chúng tôi còn đông đúc, có ông bà, có các cô dì, chú bác đến thăm cái nồi cơm lúc nào cũng to đùng như nồi dùng trong quân đội. Nồi thời đấy thì rởm lắm, nấu có khi còn ra được cơm cháy, mà “xấu điên đảo” với hình hoa văn mốc meo, vỏ nồi chỗ trắng, chỗ xỉn màu theo thời gian. Cuối tuần, các dịp lễ, Tết, bà con họ hàng, anh chị em lại rồng rắn kéo nhau đến vui chơi, ăn cơm, ca hát, chạy nhảy, nô đùa. Lúc ấy, mấy bà chị họ của tôi xới cơm mỏi tay vẫn chưa được ngừng. Lớp chống dính trong nồi có còn như không khiến mỗi cuộc ăn xong, phải đem ngâm nồi qua vài tiếng đồng hồ mới dám rửa.

Ấy vậy mà kỳ lạ làm sao, thời gian trôi dần đi, nồi cơm nhà chúng tôi cũng hiện đại hơn trước rất nhiều. Có đủ các công dụng từ nấu cơm gạo trắng, cơm gạo lứt, cháo cho đến cả bánh ngọt, làm sữa chua. Nồi hiện đại, nhưng kích thước cũng nhỏ đi dần theo thời gian. Vì thời gian, đời người theo quy luật tự nhiên, sinh - lão - bệnh - tử, ai rồi cũng lần lượt rời khỏi cõi tạm, cuộc vui đến mấy sẽ tới lúc phải tàn. Trước đây các ông bà, cụ già, cô bác, anh chị đến nhà tôi nhiều tới mức hoa cả mắt. Nhưng giờ đây, những người thân yêu trong gia đình ngày ấy, cỏ cũng đã mọc xanh, tâm đã bay về phương trời nào theo ông bà, tiên tổ.

Từ cái nồi to như trong bếp ăn tập thể, nó bé lại thành bếp ăn tại gia rồi dần trở thành cái nồi cô đơn dành cho ba người trong nhà. Mỗi bữa ăn chỉ cần vài muỗng là hết nồi, hết bữa, ai về phòng đấy đóng cửa. Cái nồi cứ ngồi “chềnh ềnh” trong bếp sạch sẽ, thơm tho, sạch bong, không vết cháy dính đọng.

***

Tôi từng dành cả ngày để nhìn cái nồi cơm điện và tự hỏi “Tại sao nó dường như chỉ là vật dụng đơn sơ như vậy, mà lại nổi tiếng”. Nhưng chẳng có câu trả lời. Cho đến một ngày, khi đang săn sale (hàng giảm giá) đầu tháng, tôi bỗng nhận ra, giữa cuộc sống ngày càng xa hoa, lộng lẫy. Tiêu chuẩn vẻ đẹp hào nhoáng, ảo tưởng danh vọng từ quần áo, cốc, ly, bát, giầy dép,... của con người đang được thỏa mãn hơn bao giờ hết.

Khi tôi lên mạng mua váy, chỉ cần lướt nhẹ trên những sàn thương mại điện tử đã có hàng nghìn, hàng trăm lựa chọn đủ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, xuất xứ đa dạng để thỏa mãn thú vui mua sắm của khách hàng. Bằng giá rất phải chăng tôi có thể mua vài món đồ, cho đến cả chục món đồ tới khi chán ngán thì thôi.

Tôi bỗng nhận ra cái nồi cơm thật... bình dị, đơn giản. Tôi có thể dành cả giờ để lựa vỏ nồi đẹp đẽ, nhưng chẳng tốn một phút suy nghĩ cái lõi màu xám, màu đồng với những nấc thang đong cơm ở bên trong. Kỳ lạ thay nó là thứ quyết định kích thước nồi cơm điện, chứa đựng “chất” tinh túy nhất, cần thiết nhất trong mỗi bữa ăn của người Việt Nam. Sâu xa hơn, lõi nồi cơm còn phản ánh số lượng nhân khẩu, mối quan hệ trong gia đình bạn.

Tôi nhớ đến những câu thơ Haiku của Nhật Bản, những vần thơ sử dụng vài hình ảnh nhỏ bé, như con tằm, chú ếch xanh, cánh hoa đào, con khỉ mồ côi, cô gái điếm không rõ hình thù... Những bài thơ tưởng chừng “khó nhằn” ấy hóa ra chứa đựng vẻ đẹp bình dị, mộc mạc xung quanh, mà chỉ khi ta đã mệt nhoài với thế giới này, mới có thể bình tâm, nhìn ra những thứ đơn giản ở xung quanh và thấy ý nghĩa, giá trị ẩn sau ngoại hình bình dị của nó.

***

Và phải chăng, cái nồi cơm điện còn được chú ý vì nó giống như ước vọng tự do của con người. Một người bạn của tôi đã từng nói: “Có lẽ, ai cũng mong được tung cánh bay lên khỏi cuộc sống này, nhưng những ham muốn vật chất thật quá hấp dẫn và dễ chịu”. Thực tế, trong cuộc sống thanh, thiếu niên như tụi tôi trải qua hàng loạt những trào như “You only live once” (bạn chỉ sống có một lần), sống “Healthy” (lành mạnh), “Healing” (chữa lành), “Bỏ phố về quê”... Bởi một ngày thấy cuộc sống đã quá nhàm chán, rập khuôn với những quy luật, định kiến về công danh, tiền bạc, áp lực đồng trang lứa, thành công sớm. Nhưng rồi có mấy ai đi theo? Chỉ bùng lên như một cơn gió, rồi lại tan đi khi thực tế ập vào.

Chúng tôi lại giống như những tấm lụa xinh đẹp, lao vào cuộc đời theo chiều gió của những quy tắc, định luật mà toàn xã hội đã đặt ra. Chúng tôi đều cảm thấy an toàn khi ở trong chiếc vòng kim cô vừa rộng, vừa hẹp đấy. Đôi lúc, lại có một cái nồi cơm điện xuất hiện trước mặt tôi, gợi nhớ về một giấc mơ kỳ lạ thuở còn thanh, thiếu niên. Nhưng mà, muốn giống như chiếc nồi cơm điện lênh đênh, vô thường, vô tri trước những biến động của thời gian, phụ bạc của tình người. Không phải chỉ đi ngược chiều gió là đủ, mà phải bước chân ngược chiều bão thì đúng hơn....