Vứt rác đâu tùy thích!
Rác thải là thứ không thể không có trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Ở bất kỳ tỉnh, TP nào, những đống rác được hình thành từ việc vứt rác tùy tiện của người dân đã trở thành một hình ảnh “đóng đinh” từ rất lâu. Tại các TP lớn, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn khi mật độ dân số quá cao, nhịp độ sinh hoạt, sản xuất lớn cùng với thói quen xấu của nhiều người vứt rác không đúng nơi quy định đã tạo ra những bãi rác mini trong các khu dân cư.
Thậm chí, ngay cả những nơi có thùng rác, xe để rác, rác vẫn “bao vây” bên ngoài mà không được cho vào xe/thùng. Tình trạng công nhân môi trường dọn sạch rác đến cuối đường thì đầu đường đã tiếp tục có người xả rác. Vì thế, đường phố luôn có những đống rác to, nhỏ, bốc mùi và làm ô nhiễm và mất mỹ quan môi trường sống cho dù có không ít cảnh báo “Không xả rác bừa bãi!” hay “Hãy bỏ rác vào thùng!”.
Hay đơn giản là vào cửa hàng ăn uống, dù có sọt đựng rác nhưng gần như khách hàng cứ thẳng tay ném giấy lau, vỏ chanh, xương xẩu… xuống sàn, xung quanh chỗ ngồi. Người ngồi trên xe ô tô, nhất là xe buýt, xe du lịch, vứt rác ra đường qua cửa sổ hay thậm chí còn khạc nhổ ngay trên xe. Chuyện vứt rác, xả nước bẩn làm ô nhiễm nơi công cộng, ném xác súc vật ra đường hay sông, hồ,... thì khá phổ biến cho thấy nếp sống thiếu văn hóa, kém văn minh.
Theo các nhà xã hội học, nguyên nhân của những việc “đi đến đâu, xả rác đến đó” đều do người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Những đứa trẻ được giáo dục tại nhà trường về việc “không xả rác bừa bãi” nhưng hàng ngày chứng kiến người lớn “thích vứt rác ở đâu là vứt” thì ý thức về việc vứt rác đúng nơi quy định của những đứa trẻ sẽ mòn dần và chúng lại “nối tiếp duy trì” hành vi vứt rác bất kỳ đâu. Vào những ngày trời mưa lớn, đường phố đô thị lại tràn ngập trong biển nước với rác thải nổi lềnh bềnh. Dù ai cũng thấy “ghê vì bẩn” nhưng không phải ai cũng thấy phải vứt rác đúng nơi quy định. Và nếu với cứ tốc độ xả rác bừa bãi của người dân hiện nay thì nước ta sẽ không có đủ đội ngũ nhân lực dọn dẹp đường phố.
Cùng với đó, hành vi xả rác bừa bãi cũng gây ra hệ lụy về xã hội không nhỏ. Trong những năm qua, tỷ lệ người mắc các chứng bệnh do ô nhiễm môi trường tăng lên nhiều lần khiến các bác sỹ phải cảnh báo về một môi trường sống trong lành. Ngoài ra, rác thải khắp nơi cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của mỗi địa phương trong đánh giá của bạn bè quốc tế về môi trường sống của người dân. Thế nhưng dường như không ai thấy xấu hổ về hành vi vứt rác nơi công cộng vì “chỉ cần rác không ở trong nhà là được, còn ở ngoài đường là việc của xã hội, của công nhân môi trường”. Vì thế, với thói quen xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn môi trường sống cho “Xanh – Sạch – Đẹp”, rác thải vẫn đang tràn lan trên mỗi ngõ phố, đầu độc môi trường sống của cả cộng đồng”.
Phạt hành vi vứt rác có khả thi?
Đó là trăn trở của nhiều người sau khi quy định này được ban hành. Theo quy định này, tất cả các hành vi xả rác nơi công cộng dù nhỏ nhất như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá bừa bãi đều tăng mức phạt cao gấp 10 lần mức phạt cũ; đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi. Việc tăng mức phạt được coi là nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc xả rác bừa bãi nơi công cộng thời gian qua. Nhưng thực tế đã một tuần kể từ ngày quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường như vứt rác nơi công cộng, phóng uế hay cho gia súc, gia cầm, vật nuôi phóng uế nơi công cộng… theo Nghị định có hiệu lực, chưa có ai bị phạt và cũng chưa có lực lượng nào triển khai thực thi.
Do đó, dư luận lo ngại đây sẽ có thể là một quy định để làm dài thêm danh sách những quy định “cho có”, những quy định “trên giấy”. Thực tế Nghị định 179/2013/NĐ-CP được thực thi suốt 3 năm và kết quả là tình trạng xả thải bừa bãi dưới mọi hành vi đã được quy định sẽ phải chịu phạt vẫn ngang nhiên diễn ra, không ai bị phạt và có khi không ai còn nhớ là đã có quy định xử phạt những hành vi như xả rác bừa bãi, ném tàn thuốc hay đi vệ sinh nơi công cộng.
Từ tháng 2 này, những hành vi như vậy sẽ bị xử phạt với mức phạt tăng hơn gấp 10 lần so với quy định hiện hành song đang thiếu cơ sở để việc xử phạt được tiến hành, đặc biệt là lực lượng đi giám sát, phát hiện hành vi để xử phạt. Dù là công an hay chính quyền địa phương, thanh tra môi trường hay bất kỳ lực lượng chức năng nào cũng không thể “dàn quân” đủ để xử phạt những hành vi xả rác nơi công cộng trái quy định nên cần có các biện pháp công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công việc triển khai các quy định xử phạt như hệ thống camera ghi hình làm căn cứ xử phạt nếu không “bắt được tận tay”.
Song trong điều kiện của nước ta, biện pháp này chưa thể triển khai đại trà nên phụ thuộc rất nhiều vào ý thức từng người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của mình.
Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều người, nếu chỉ phạt tiền thì khó ngăn chặn được những hành vi vi phạm môi trường sống như vậy. Ở phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nếu gia đình nào để rác ngoài đường không đúng nơi quy định sẽ bị nhắc nhở trực tiếp nêu tên trên loa phát thanh của phường.
Vì vậy, nếu không bỏ rác đúng giờ thu gom của công ty môi trường, các gia đình sẽ phải mang rác đến nơi tập kết rác của khu. Như vậy, ngoài việc phạt tiền, rất cần các biện pháp phạt bổ sung như phường Ngọc Trạo đã làm để ngăn chặn được hành vi xả rác nơi công cộng một cách hiệu quả.
Một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực thi quy định này còn nằm chính ở những người có thẩm quyền thi hành. Nếu họ “ì ra” không tổ chức thực hiện thì quy định thực sự chỉ “nằm trên giấy”. Do đó, cần có những đánh giá về trách nhiệm của lực lượng chịu trách nhiệm thực thi để đảm bảo Nghị định 155/2016 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo dựng môi trường sống sạch đẹp, văn minh hơn cho người dân.