Tăng cường nhân sự chuyên trách ở các vị trí lãnh đạo CLB Pháp chế doanh nghiệp

(PLO) - Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp (DN) được thành lập từ năm 1999 với chức năng chính là cung cấp thông tin pháp lý cho DN, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN, người quản lý DN. 
Tăng cường nhân sự chuyên trách ở các  vị trí lãnh đạo CLB Pháp chế doanh nghiệp
Sau 13 năm hoạt động gặt hái được nhiều thành quả, hôm nay – 21/12, tại Hà Nội, CLB tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2013 – 2018), nhìn lại hoạt động nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời  xác định phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới. Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm CLB về những nội dung trên.
“Đổi mới - Phát triển - Hội nhập”
Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết đôi nét về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của CLB Pháp chế DN?
- Đại hội CLB nhiệm kỳ II (2007 - 2012) đã đề ra phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ với mục tiêu “Đổi mới – Phát triển – Hội nhập”. Quán triệt mục tiêu này, các hoạt động của CLB nhiệm kỳ II đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, từ công tác tổ chức CLB; công tác chăm sóc, phát triển hội viên đến hoạt 
động tư vấn pháp luật cho DN; hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN; hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm về các chủ đề pháp luật; phát triển trang thông tin và tham gia vào các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Các văn phòng đại diện của CLB tại TP.HCM, Hải Phòng, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nam cũng từng bước củng cố về mặt tổ chức, triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn. Những kết quả trên đã đóng góp vào thành tích chung của ngành Tư pháp, góp phần vào những thành tựu chung của nền kinh tế đất nước.
Trở thành hội viên CLB, điều mà DN rất lưu tâm là họ sẽ được hưởng những quyền lợi gì? 
- Ngoài quyền và trách nhiệm được quy định rõ ràng trong Điều lệ thì CLB rất chú trọng gia tăng giá trị cho các thành viên CLB. Đáng chú ý, khi trở thành thành viên của CLB, các DN được hưởng gói dịch vụ miễn phí: tư vấn pháp luật miễn phí cho các DN thành viên về các vướng mắc pháp lý thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin pháp lý miễn phí cho DN thành viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý DN. CLB còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý DN là thành viên của CLB trên cả nước thông qua Chương trình 585.
Để tạo sự kết nối thường xuyên giữa CLB với thành viên, CLB thường xuyên liên hệ với thành viên để tìm hiểu những vướng mắc pháp lý DN gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thường xuyên khảo sát những vướng mắc pháp lý của DN thành viên trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, diễn đàm, tọa đàm pháp luật kinh doanh; đồng thời tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của CLB, quảng bá hình ảnh của DN thành viên CLB và khen thưởng, tôn vinh Pháp chế DN thành viên tiêu biểu hàng năm...
Muốn thành công, phải có 3 yếu tố
Bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn chắc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của CLB trong nhiệm kỳ II phải không, thưa ông?
- Đúng vậy! Điều này thể hiện rõ nhất qua công tác thu hội phí, đặc biệt là 2-3 năm gần đây số DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản gia tăng. CLB tuy có khoảng 1.000 hội viên tham gia nhưng trên thực tế chỉ có 400 hội viên đóng phí CLB. Đây cũng là vướng mắc các hiệp hội DN ở Việt Nam nói chung đang gặp phải khi mà công tác thu hội phí chỉ đạt trên 20% so với số DN đăng ký trở thành thành viên. Bên cạnh đó, có một số thành viên không thường xuyên tham gia vào các hoạt động của CLB.
Ngoài ra, CLB cũng còn một số hạn chế khác cần phải khắc phục như hoạt động của các văn phòng đại diện CLB (trừ văn phòng đại diện tại TP.HCM) chưa đồng đều, có văn phòng chưa chủ động dẫn đến việc hoạt động kém hiệu quả; nội dung cập nhật trên trang thông tin điện tử đôi khi còn chưa kịp thời và mang tính thời sự nên chưa thu hút được nhiều sự chú ý của các DN; nguồn nhân lực CLB mặc dù được bổ sung thêm một số cán bộ hợp đồng chuyên trách song hầu hết là các cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và đang trong quá trình bồi dưỡng. 
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, ở vị trí Chủ nhiệm CLB, Thứ trưởng có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm để nếu có người kế nhiệm mới thì họ có thể làm tốt hơn vì được biết phương hướng sắp tới CLB là các vị trí lãnh đạo sẽ làm việc theo chế độ chuyên trách?
- Tôi thấy rằng, điều quan trọng hàng đầu vẫn là sự nhiệt tình, tích cực, chủ động và trách nhiệm của các thành viên CLB, sự chỉ đạo điều hành của Thường trực Ban Chủ nhiệm cũng như sự quan tâm của các Bộ, ngành, trong đó phải kể đến Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan bảo trợ và thực hiện quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ đối với CLB. Ba yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công của CLB.
CLB hoạt động theo phương thức tự trang trải. Tuy nhiên, CLB được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất và bố trí nhân sự thỏa đáng nên hoạt động của CLB đã dần dần được ổn định và đi vào nền nếp. Việc Lãnh đạo Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý hoạt động của CLB đã tạo điều kiện cho CLB luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời về trang thiết bị cũng như sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Lãnh đạo Bộ, chuyên viên Vụ Pháp luật Dân sự.  Nhờ vậy, CLB đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhất là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và tập huấn kiến thức pháp lý cho các DN.
Thứ hai, CLB đã tạo được sự tin tưởng của các DN, coi CLB là địa chỉ đáng tin cậy. Từ khi thành lập, CLB đã được các DN coi là người bạn đồng hành đáng tin cậy của mình trên hai phương diện: CLB vừa là địa chỉ mà các DN có thể nhận được những tư vấn về mặt pháp lý, vừa là diễn đàn để các DN đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề mà họ quan tâm. 
Thứ ba, sự thành công của CLB còn dựa trên sự đóng góp của các đơn vị thành viên. Thông qua các hoạt động có hiệu quả của mình, CLB không chỉ quy tụ được các thành viên là các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, các tổng công ty, tập đoàn, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế mà còn thu hút được các thành phần hội viên mới như các công ty luật, luật sư, luật gia, hiệp hội và các cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước. Chính các hội viên này đã không những tham gia tích cực vào các hoạt động của CLB mà còn luôn hưởng ứng, ủng hộ giúp đỡ CLB trên nhiều phương diện. Sự giúp đỡ này cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của CLB trong thời gian qua.
Năm 2015 chuyển sang mô hình Hiệp hội
Một số ý kiến băn khoăn tên gọi CLB nghe không đủ “sức nặng” bằng tên gọi Hiệp hội. Lãnh đạo CLB cân nhắc về vấn đề này ra sao?
- CLB đã đặt kế hoạch đến giữa năm 2015 có đủ điều kiện để đề nghị cơ quan có thẩm quyền đổi tên CLB Pháp chế DN thành Hiệp hội Pháp chế DN. Tên gọi khác nhau song về bản chất hoạt động thì đây vẫn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và nội dung hoạt động vẫn chú trọng tới khía cạnh pháp luật. “Điểm yếu” của tên gọi CLB được cho là mang tính chất hội hè, lỏng lẻo, không phải là tổ chức chặt chẽ.
Vậy, để xây dựng CLB vững mạnh về tổ chức và hoạt động thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy về pháp luật của cộng đồng DN và là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước đối với DN trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh, thì đâu là  một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ III của CLB, thưa Thứ trưởng ?
- Đầu tiên sẽ phải là củng cố, kiện toàn Ban Chủ nhiệm và bộ máy hoạt động của CLB theo hướng từng bước thay thế nhân sự ở các vị trí lãnh đạo CLB làm việc theo chế độ chuyên trách, nhất là người đứng đầu (Chủ nhiệm) CLB. Tiếp đến, tăng cường tính độc lập, tự chủ, tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, điều hành, quản lý cũng như trong các hoạt động chuyên môn của CLB.
Công tác hội viên đóng một vai trò rất quan trọng, là tấm gương phản ánh tính hấp dẫn và hiệu quả trong hoạt động của CLB. Do vậy, một trong những phương hướng hoạt động cần phải được ưu tiên của CLB trong thời gian tới là việc phát triển hội viên. Theo đó, cần thường xuyên tiến hành việc quảng bá về CLB trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nhiều buổi giao lưu, sinh hoạt, gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên CLB với nhau; đồng thời tiến hành nhiều biện pháp thu hút sự tham gia của các DN như quy định rõ và đầy đủ hơn về quyền và lợi ích của các hội viên, những ưu đãi mà các hội viên có được so với các DN khác không phải là thành viên của CLB.
Trong thời gian tới, cùng với củng cố, mở rộng và tăng cường hoạt động của các văn phòng đại diện, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm hoàn thành tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của CLB. Trong những năm tới, CLB cần triển khai đồng đều các hoạt động, nhất là phải tập trung sức lực và trí tuệ để thực hiện cho được chức năng là “cầu nối” giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN. Có như vậy CLB mới xứng đáng là diễn đàn để các DN bàn thảo về việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, phản hồi về việc thực hiện pháp luật và các vấn đề khác mà họ quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm