Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới

(PLVN) - Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Các hội thi góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới.
Các hội thi góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Xã hội đưa ra nhận định rằng “Đại dịch COVID-19 làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới”.

Theo đó, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hàng loạt các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục... trong đó đối tượng chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn thường là phụ nữ, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược bình đẳng giới quốc gia.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, việc chuyển sang hình thức học trực tuyến đã làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục giữa các địa phương và các nhóm học sinh, đặc biệt đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra rằng, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm về việc triển khai thực hiện Chiến lược bình đẳng giới quốc gia. Năm 2018, Chính phủ đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật. Nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật.

Một số chính sách còn chưa có số liệu phân tách về giới nên ảnh hưởng đến việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ. Bộ máy, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chưa bố trí đủ hoặc kiêm nhiệm, kinh phí phân bổ cho công tác bình đẳng giới ngày càng giảm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới…

Để giải quyết những tồn tại này, một trong những vấn đề cần phải được làm ngay đó là một chương trình truyền thông về bình đẳng giới. Ngày 23/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1790/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đặc biệt, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Từ thành quả này, Chương trình sẽ phát huy ưu điểm, những cách làm hay, có hiệu quả, khắc phục những bất cập, hạn chế; cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức, công nghệ truyền thông cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền, nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chủ trương, chính sách khác về bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra những nhiệm vụ và giải pháp tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông. Đặc biệt, mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông…

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Thủ tướng phân công Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Chương trình. Trong đó, đưa nội dung bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức giới, bình đẳng giới cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và học viên trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cán bộ cơ quan quản lý lao động tại địa phương.

Đọc thêm