Tăng cường vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

(PLVN) -Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của các cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là phương pháp được Chấp hành viên ưu tiên áp dụng, giúp nhiều vụ việc thi hành án được giải quyết nhanh chóng, hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế, tụ tập đông người.
Tăng cường vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án

Công tác vận động, hòa giải thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng hạn chế được những chi phí phát sinh. Không những vậy, việc các đương sự tự nguyện hoà giải hoặc thi hành án còn giúp cơ quan THADS  hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí. 

Thời gian vừa qua, nhờ thực hiện tốt công tác vận động, thuyết phục, các cơ quan THADS địa phương đã giải quyết được nhiều vụ có giá trị phải thi hành lớn, việc khó khăn, phức tạp tồn đọng lâu; có vụ việc đã cưỡng chế kê biên tài sản có tranh chấp theo quy định, nhưng sau đó vẫn tiếp tục giáo dục, thuyết phục và đương sự, người  liên quan đã tự nguyện chấp hành. 

Để làm được điều đó, Lãnh đạo, Chấp hành viên, công chức thi hành án cần gặp gỡ, trao đổi, giải thích các quy định của pháp luật, vân động người phải thi hành án, người có liên quan tự nguyện thi hành. Đây là việc làm tốt nhất để tuyên truyền về công tác thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân, tổ chức. Đặc biệt, để làm tốt công tác vận động, thuyết phục đương sự thi hành án, chấp hành viên phải vận dụng các quy định của pháp luật, lý lẽ, tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì gặp gỡ, vận động đương sự.

Như tại Thái Nguyên, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh về việc tập trung tổ chức thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, Chi cục THADS thành phố Sông Công đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Trong đó, nhờ làm tốt công tác dân vận, thuyết phục người phải thi hành án nên các vụ việc đương sự đều tự nguyện, không phải tổ chức cưỡng chế giao tài sản đối với 3 vụ việc án tín dụng, ngân hàng, với số tiền bán đấu giá thành là 5.263.065.000 đồng.

Còn tại Chi cục THADS huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Chấp hành viên cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác vận động, thuyết phục, giao giao diện tích đất được chia theo bản án xét xử ly hôn cho người được thi hành án. Giai đoạn đầu, Chi cục THADS huyện Yên Dũng đã gặp nhiều khó khăn khi vận động cả hai bên đương sự giải quyết việc thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành, Chi cục, Chấp hành viên và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Tại nhiều buổi làm việc, vận động, giải thích người phải thi hành án đã được thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan THADS sẽ tổ chức cưỡng chế thi hành án. Hơn nữa các chi phí cưỡng chế thi hành án đều do người phải thi hành án chịu. Do thực hiện tốt công tác giáo dục, thuyết phục, người phải thi hành án đã đồng ý chấp hành bản án mà đặc biệt là đã tự nguyện giao đất cho người được thi hành án. 

Chi cục THADS huyện Yên Dũng cho biết, việc tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục không chỉ giúp giảm chi phí trong quá trình tổ chức thi hành án mà còn hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay. Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, vận động thuyết phục, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà cấp trên giao mà vẫn thực hiện tốt công tác chống dịch, dập dịch.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác vận động, thuyết phục trong THADS cũng gặp không ít khó khăn do ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án còn hạn chế; nhiều đương sự không hợp tác khi được chấp hành viên giải thích, vận động; nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, bỏ đi địa phương khác, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, thậm chí chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án….

Vì vậy, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cơ quan THADS cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng để người dân, đặc biệt là người phải thi hành án nắm rõ, từ đó có ý thức chấp hành bản án tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan THADS tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, đặc biệt là sự giúp đỡ của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, những người đứng đầu các dòng họ… để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành.  

Đọc thêm