Tăng giá dưới mắt chuyên gia tâm lý

Hầu hết chuyên gia tâm lý nhận định, việc tăng giá theo dây chuyền chưa hẳn đã  là do “tâm lý bầy đàn”  mà chính xác hơn, nó xuất phát từ sự lung lay về mặt tâm lý tiêu dùng của người dân. Việc cùng nhau tăng giá đôi khi được họ thực hiện như một hành động vô thức nhằm bảo vệ mình trước việc xung quanh đều tăng giá.

Hầu hết chuyên gia tâm lý nhận định, việc tăng giá theo dây chuyền chưa hẳn đã là do “tâm lý bầy đàn”  mà chính xác hơn, nó xuất phát từ sự lung lay về mặt tâm lý tiêu dùng của người dân. Việc cùng nhau tăng giá đôi khi được họ thực hiện như một hành động vô thức nhằm bảo vệ mình trước việc xung quanh đều tăng giá.

Bà Thanh Phương, chuyên gia tư vấn của tổng đài 1080 TP.HCM cho rằng: “Nguyên nhân việc tăng giá hàng loạt là do người tiêu dùng chúng ta quá “yếu” về mặt tâm lý. Việc xăng tăng, giá cả ngoài chợ tăng, đã làm rung động đến tâm lý không chỉ bà nội trợ mà là người tiêu dùng toàn bộ.

Tuy nhiên, cách giải quyết câu chuyện “tăng giá dây chuyền này” khá là nan giải. Ở góc độ cá nhân thì khó mà giải quyết cho ổn. Có lẽ, điều tốt nhất mà mỗi người tiêu dùng nên làm là nên có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết giảm những thứ không cần thiết. Nhưng để giải quyết rốt ráo vấn đề thì chỉ có… các nhà quản lý ở tầm vĩ mô mới làm được”.

Còn theo ông Ngô Minh Uy, chuyên gia tham vấn tâm lý thuộc Hội tâm lý giáo dục TP.HCM, giảng viên Đại học Văn Hiến, một khi sự tăng giá đã được khởi động ở một số mặt hàng thiết yếu thì việc các mặt hàng khác - dù liên quan hay không liên quan - tăng giá theo là một quy luật tất yếu. Bởi nếu không tăng giá, nhiều người bán sẽ có tâm lý là mình đang bị “lỗ” so với tình hình chung của thị trường, mặc dù trên thực tế là họ không hề thiệt hại gì.

Và, có một “tâm lý” không thể không nhắc đến đó là có rất nhiều trường hợp lợi dụng “tát nước theo mưa”, tăng giá cao gấp nhiều lần để tranh thủ kiếm lời. Những trường hợp này cần phải được cơ quan quản lý xử lý nghiêm minh để có tính răn đe.

“Nếu việc lợi dụng bất ổn thị trường để tăng giá bị xử phạt nặng, nhà nước có những chính sách ổn định giá, nghiêm cấm hành vi nhiễu loạn thị trường bằng cách tăng giá thiếu cơ sở… thì mới mong phần nào “hạ nhiệt” giá tiêu dùng. Còn trông mong vào sự tự nguyện của người kinh doanh là… vô ích, vì không ai tình nguyện nhận phần thiệt về mình”, ông Uy nói.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cả hầu hết các mặt hàng trên thị trường tăng cao một cách chóng mặt.  Đến rau xanh cũng viện cớ tăng giá vì giá xăng dầu. “Các loại rau từ sau Tết đến giờ đã tăng giá lên đến đợt thứ hai. Giá rau xanh nay đã tăng ở mức 30% so với thời điểm cuối năm ngoái và còn có nguy cơ tăng tiếp tục, các thương lái đều lấy lý do xăng và các chi phí khác tăng” – chính một chủ sạp rau tại tại chợ Thủ Đức than thở.

Tương tự, thịt cá, gạo và các thực phẩm khác đều tăng từ 10-30%. Vô lý hơn, giá nhiều dịch vụ như  giữ xe,  nhà trọ cũng tăng lên khá đột ngột. Tại TP.HCM một số chợ, khu vui chơi, giá gửi xe đã tăng từ 3 ngàn đồng lên đến 5 ngàn đồng, nhiều chủ nhà trọ rục rịch tăng giá thêm từ 100 – 200 ngàn/phòng trọ, khiến giới sinh viên, công nhân khốn đốn… Câu trả lời chung để giải thích lý do tăng giá của các dịch vụ này đều chỉ một câu: cả thị trường tăng thì phải tăng theo.

N.Mai

Đọc thêm