Tạo cơ hội để bình đẳng trong tiếp cận công lý

(PLO) - Hôm qua (1/8), Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã có phiên họp đầu tiên để nghe báo cáo định hướng cơ bản xây dựng Dự thảo Nghị định này. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Trưởng Ban soạn thảo đã nhấn mạnh quan điểm rằng TGPL là sự hỗ trợ của Nhà nước để những người yếu thế được bình đẳng trong tiếp cận công lý.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại cuộc họp.

Không mở rộng người có khó khăn về tài chính

Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết một trong những nội dung mà Luật giao Chính phủ hướng dẫn là trường hợp khó khăn về tài chính cho 8 nhóm người quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL. Đây là vấn đề mới, khó và còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định khi có ý kiến đề nghị quy định bao gồm tất cả các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp có khó khăn đột xuất do bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông...

Trên cơ sở nguồn lực tài chính có hạn, số lượng đối tượng quy định tại Điều 7 Luật TGPL, Tổ biên tập đưa ra 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 bao gồm người thuộc hộ cận nghèo (tiếp cận theo hướng thu nhập của người được TGPL. Theo đó, người thuộc hộ cận nghèo có thu nhập từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 900 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Như vậy, số lượng hộ cận nghèo hiện có khoảng hơn 5,1 triệu người và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì số lượng người này khoảng 1,6 triệu người).

Phương án 2 bao gồm người thuộc hộ cận nghèo và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và người không thể tiếp cận được tài sản của mình, của gia đình. Loại ý kiến này lý giải thực tế có những người là thành viên của gia đình không thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo nhưng do mâu thuẫn trong gia đình (cha mẹ, vợ, chồng, con...) hoặc do sự độc đoán của thành viên khác hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt hết tài sản nên họ không có quyền đối với thu nhập, tài sản của bản thân hoặc gia đình. Do vậy, khi có vướng mắc không thể sử dụng tài sản của mình hoặc của gia đình để chi trả dịch vụ pháp lý có thu, như nạn nhân bạo lực gia đình...

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cũng có hai luồng ý kiến. Một số đại biểu ủng hộ phương án 2 vì đối tượng được trợ giúp sẽ rộng hơn, theo đúng với chính sách nhân đạo của Nhà nước ta. Bày tỏ sự đồng tình với phương án 2, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL TP Hà Nội Nguyễn Tú Anh cho rằng đây là phương án hiệu quả và phù hợp hơn. 

Ngược lại, một số ý kiến băn khoăn liệu phương án 2 có phải đang mở rộng đối tượng được TGPL hay không, từ đó đề nghị nghiên cứu cân nhắc phương án này cho chặt chẽ. Luật sư Nguyễn Mai Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì lý giải, trong phương án 2, người không thể tiếp cận được tài sản của mình, của gia đình tại thời điểm trợ giúp nhưng vẫn có thể có tài sản trong tương lai và quá trình tố tụng trong trường hợp này có thể kéo dài.

Bà Đỗ Thị Lan (Văn phòng Chính phủ) cũng đề nghị không quy định trường hợp này vì còn mơ hồ, những người như vậy có thể trợ giúp bằng những quy định khác chứ không nên theo quy định của Luật TGPL. Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu hàng loạt câu hỏi đối với người không thể tiếp cận được tài sản như ai xác nhận, xác nhận ra sao, xác nhận trong trường hợp nào... 

Cần mạnh dạn phân cấp

Đối với vấn đề tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước, theo bà Minh, các ý kiến cơ bản nhất trí Dự thảo Nghị định cần kế thừa quy định hiện hành. Trong đó, về nhân sự, Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc, trợ giúp viên pháp lý theo quy định hiện hành, viên chức và người lao động khác làm việc tại Trung tâm. Quy định này cũng phù hợp với cơ cấu viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Về số lượng người làm việc, cơ sở vật chất của Trung tâm, Dự thảo Nghị định kế thừa quy định hiện hành về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định số lượng người làm việc của Trung tâm và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện làm việc như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động.

Riêng thẩm quyền bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm, bà Minh cho biết hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng giữ nguyên như hiện hành, tức là Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm. Còn loại ý kiến thứ hai kiến nghị, trên tinh thần phân cấp của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thì giao thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nêu kinh nghiệm của TP Hà Nội, bà Tú Anh cho biết, việc bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm nên giao thẩm quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp theo quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP. Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Tụng nhận thấy, việc giao quyền theo Nghị định 24 tuy phù hợp hơn nhưng cần tính toán thêm. Bởi Trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp công song có một số đặc thù như có tính độc lập tương đối, có trách nhiệm quản lý tài sản, con người, kinh phí. 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, với định hướng TGPL là trợ giúp những vụ việc cụ thể nhằm bảo đảm tính hiệu quả thì việc trợ giúp cho những đối tượng nào phải căn cứ vào địa vị của họ, chứ không phải hoàn cảnh của họ trong một thời điểm. “Đó là những người đang ở vị thế không thể bảo vệ quyền của mình, cần Nhà nước cung cấp sự hỗ trợ để bình đẳng trong tiếp cận công lý” - Thứ trưởng phát biểu. Đối với việc bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm, Thứ trưởng cho rằng, nên theo hướng của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 24/2014/NĐ-CP để giao quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp.

Đọc thêm