Tắt sóng 2G tại Việt Nam: Cần tránh tối đa ảnh hưởng đến người sử dụng

(PLVN) - Mạng 2G chậm và lạc hậu nên Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến tắt hoàn toàn sóng 2G trên toàn quốc vào năm 2024 để tận dụng tài nguyên tần số cho những công nghệ viễn thông hiện đại hơn. Tuy nhiên, lộ trình này có quá vội vàng khi chỉ còn một năm nữa là đến thời hạn đặt ra mà cả nước vẫn có khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G?
Những chiếc điện thoại di động chỉ dùng sóng 2G sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam. (Nguồn: Internet)
Những chiếc điện thoại di động chỉ dùng sóng 2G sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam. (Nguồn: Internet)

Dù lạc hậu nhưng vẫn còn nhiều người sử dụng

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở nước ta từ năm 1993. Sau gần 30 năm, mạng 2G đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông cũng như nhu cầu đại đa số người sử dụng. Người dùng điện thoại hiện nay không chỉ với mục đích nghe, gọi, nhắn tin mà còn để giải quyết các thủ tục hành chính, làm việc, kinh doanh, mua bán trên các sàn thương mại điện thử, đọc báo, xem phim, giải trí... Công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ không thể trọn vẹn khi không thể tiếp cận các dịch vụ tới các thuê bao 2G.

Ngoài ra, mạng 2G từ nhiều năm nay đã được coi là “miếng mồi ngon” đối với tội phạm viễn thông, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác, lừa đảo qua tin nhắn, từ đó trục lợi từ người dùng di động mạng 2G. Thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G. Do công nghệ này đã lỗi thời, tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng, tội phạm mạng có thể xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn…

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đề ra lộ trình tắt sóng di động 2G bắt đầu từ tháng 12 năm nay và hoàn thành vào năm 2024 - trong bối cảnh mạng 3G, 4G và 5G đã phổ biến. Mục đích là để nhường chỗ cho các mạng di động tiên tiến hơn như 4G, 5G phát triển. Đây được xem là bước tiến không thể thay đổi về mặt công nghệ.

Tuy nhiên, việc tắt sóng 2G tại Việt Nam ở thời điểm này còn gặp nhiều thách thức. Bởi tính đến cuối tháng 8, Việt Nam vẫn còn hơn 23 triệu thuê bao 2G, tương đương với 1/5 tổng số thuê bao trên cả nước. Trong đó, đáng chú ý nhóm người dùng sử dụng điện thoại 2G chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, những nơi sóng 4G chưa phủ rộng như sóng 2G…

Sẽ có biện pháp xử lý

Câu hỏi đặt ra là liệu lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam - bắt đầu từ cuối năm nay có khả thi không khi mà hiện vẫn có tới 1/5 tổng số thuê bao đang sử dụng mạng di động 2G như đã nêu trên? Hay trong vòng 1 năm nữa, làm thế nào để phủ sóng 4G tới tận các thôn bản xa xôi và hải đảo trên toàn quốc để việc liên lạc của người dân qua điện thoại không bị gián đoạn?

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 9/2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay, Bộ sẽ triển khai quy hoạch lại, tần số vô tuyến điện hiện tại sẽ không còn phục vụ cho máy 2G. Các nhà mạng sẽ phải có chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang thiết bị 4G.

“Bộ sẽ có giải pháp xử lý để bảo đảm đến thời điểm tháng 9/2024 khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn thì sẽ không còn máy 2G. Mục tiêu của việc này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, Bộ TT&TT sẽ triển khai thanh tra tại các địa phương về quy định không nhập thiết bị điện thoại 2G nhằm bảo đảm đến thời điểm tháng 9/2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn điện thoại di động mạng 2G. Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và cơ bản thống nhất về định hướng lộ trình dừng công nghệ di động 2G.

Để thúc đẩy việc chuyển đổi này, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã ban hành thông tư quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7/2021 phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Các điện thoại sử dụng công nghệ 2G không được nhập khẩu, sản xuất. Đồng thời, Bộ sẽ triển khai thanh tra ở các địa phương về tình trạng nhập thiết bị máy điện thoại 2G không chính thức trên thị trường.

Đặc biệt, với nguyên tắc không để người dân mất liên lạc, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định, các nhà mạng đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước cho khách hàng nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ thiết bị 2G sang 4G.

Đọc thêm