Tắt sóng truyền hình analog: “Êm đềm” thị trường đầu thu

(PLO) - Theo ngành Thông tin và Truyền thông 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, 2 ngày sau khi thực hiện tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog, tình hình thu xem rất ổn định. Các cuộc gọi tổng đài hỗ trợ chủ yếu hỏi về hướng dẫn sử dụng. Còn thị trường đầu thu không có hiện tượng sốt, đội giá...
Để tiếp tục xem trình truyền hình sau khi tắt sóng analog, người dân cần phải có đầu thu hoặc tivi tích hợp DVB-T2
Để tiếp tục xem trình truyền hình sau khi tắt sóng analog, người dân cần phải có đầu thu hoặc tivi tích hợp DVB-T2

Hàng ngàn cuộc gọi, nhưng không phản hồi trái chiều

Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2011. Đây được coi là xu hướng tất yếu để truyền hình Việt Nam bắt kịp thế giới.

Với việc tắt sóng analog tại 4 thành phố lớn nêu trên vào ngày 15/8, sẽ có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố này bị ảnh hưởng, gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An.

Đợt tắt sóng lần này được coi là có tính chất quyết định tới sự thành công của Đề án số hóa truyền hình vì có tới 23 tỉnh, thành ở hai khu vực đồng bằng có số lượng dân cư đông nhất sẽ về đích sớm so với kế hoạch ban đầu đặt ra.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng cho biết, so với thời điểm tắt sóng mềm – 15/6, sau khi thực hiện tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog, trong ngày 15/8, số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi về số Tổng đài hỗ trợ thông tin về số hóa truyền hình trên cả nước 0511 1022 để hỏi thông tin tăng lên khá nhiều, với 1.200 cuộc gọi.

Các câu hỏi chủ yếu về địa chỉ mua đầu thu ở đâu, đang dùng truyền hình IPTV hay cáp có phải mua đầu thu khác không, nếu đã mua tivi đời mới rồi thì thu xem truyền hình bằng cách nào, khu vực người dân đang sinh sống có bị ngắt sóng truyền hình không, số lượng các kênh truyền hình sẽ bị ngắt sóng…

Một ngày sau khi tắt sóng, các Sở TT&TT chưa nhận được bất cứ phản hồi trái chiều nào của người dân về số hóa truyền hình. Theo lãnh đạo Sở TT&TT Cần Thơ, việc thu sóng số trên địa bàn khá tốt và nhiều người hài lòng với chất lượng thu xem truyền hình. Sau khi tắt sóng, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con đang dùng tivi analog có thể chuyển sang xem truyền hình số bằng nhiều phương thức khác.

Ví dụ, nhà có điều kiện thì mua tivi mới có tích hợp tính năng thu truyền hình số hoặc xem truyền hình trả tiền, người chưa có điều kiện thì mua đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình. Sở TT&TT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị khác kiểm tra chất lượng thiết bị thu xem truyền hình số để đảm bảo cho người dân xem truyền hình số đạt chất lượng tốt.

Còn tại Hà Nội, việc triển khai hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo đã cơ bản được hoàn tất. Theo Sở TT&TT Hà Nội, tổng số hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội được Bộ TT&TT trang bị thiết bị thu xem truyền hình số là 61.038 hộ, còn hơn 400 hộ còn lại chưa lắp đặt được do các hộ này đi vắng sẽ được triển khai chậm nhất là hết ngày 18/8/2016.

Thị trường không “sốc”

Do Đề án đã được khởi động tuyên truyền từ hơn 3 năm trước, cùng với việc các tivi sản xuất từ khoảng 2 năm trở lại đây bắt buộc phải tích hợp bộ phận thu kỹ thuật số, nên việc tắt sóng analog đã không gây sốc lớn trên thị trường điện tử.

Việc tắt sóng analog không ảnh hưởng đến những hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình Internet...), mà chỉ tác động đến những gia đình dùng antena thu sóng truyền hình bằng công nghệ analog.  Thêm vào đó, nhiều người dân cũng đã nhận được tin nhắn từ Bộ TT&TT thông báo về việc tắt sóng và số Tổng đài hỗ trợ thông tin, nên cũng có thời gian chuẩn bị cho việc này.

Theo đó, để có thể tiếp tục thu xem các chương trình truyền hình phát sóng dưới định dạng số DVB-T2, người dân cần phải có tivi tích hợp DVB-T2 hoặc đầu thu DVB-T2 (set-top box). Bên cạnh việc người dân tự trang bị phương tiện thu sóng truyền hình chuyển đổi theo công nghệ số, Nhà nước cũng có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ dân là những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiết bị đầu thu Set-top-box để xem được chương trình truyền hình khi chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất. 

Trên website số hóa truyền hình mặt đất (sohoatruyenhinh.vn) và website của Bộ Thông tin và Truyền thông (mic.gov.vn),  Bộ  TT&TT đã khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các thiết bị chính hãng của các nhà sản xuất như VTC Digital, VTVBroadcom…và được bảo đảm chất lượng bởi Đài truyền hình Việt Nam – VTV và Đài Kỹ thuật số Việt Nam – VTC.

Danh mục các công ty cung cấp các sản phẩm đầu thu DVB – T2 cũng được liệt kê đầy đủ trên trang web này với nhiều mã số ký hiệu khác nhau để người tiêu dùng có thể nhận biết được thông tin và tính năng cụ thể của các sản phẩm đầu thu truyền hình số. Người tiêu dùng cũng nên lưu ý không lựa chọn những sản phẩm đầu thu chưa qua điểm định và không rõ nguồn gốc xuất xứ vì “ham rẻ”. 

Tìm hiểu thị trường mua bán thiết bị đầu thu DVB-T2 cho thấy, giá cho mỗi thiết bị dao động từ 500 nghìn – 1 triệu đồng tùy vào chất lượng và tính năng khác nhau. Chị Hoàng Ngọc Lan (nhân viên bán hàng của Công ty VTC Giải trí đa phương tiện) nói rằng, các đầu thu chính hãng, chất lượng cao cộng thêm có chính sách bảo hành 12 tháng và chính sách đổi mới thiết bị do lỗi sản xuất nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm này.

Khảo sát của PV tại một số cửa hàng bán đầu thu cho biết, tình hình tiêu thụ đầu thu khá bình lặng. Số lượng khách hỏi mua có tăng nhưng không đột biến và chủ yếu là người lớn tuổi, đối tượng chủ yếu vẫn còn xem truyền hình analog tại thời điểm hiện nay.

“Những hộ dân đang dùng tivi chưa tích hợp DVB - T2 nếu không có điều kiện mua tivi mới thì có thể mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB - T2. Khách hàng không nên mua đầu thu truyền hình số theo chuẩn cũ DVB-T, vì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, đầu thu loại này sẽ không dùng được và khi đó, người dân sẽ phải mua đầu thu mới. Điều này sẽ gây lãng phí tiền của” – anh Nguyễn Hanh, nhân viên gian hàng điện máy trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) tư vấn – “Còn đối với những hộ dân đang có ý định mua tivi mới thì nên chú ý lựa chọn các tivi tích hợp đầu thu kỹ thuật số theo tiêu chuẩn DVB - T2/MPEG4. Hiện các thương hiệu tivi lớn như Samsung, Sony, LG… đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB - T2 vào các dòng TV đời từ 2014”.