Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hiện, Giám thị Trại tạm giam Kim Chi (Công an tỉnh Hải Dương) chia sẻ, ở đây có khoảng 200 trường hợp gia đình không có điều kiện để quan tâm, tiếp tế, nhiều người còn bị bỏ mặc. Những can phạm nhân có hoàn cảnh như vậy, thường được các cán bộ trại tạm giam quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Bởi vì, mỗi khi Tết đến xuân về, những trường hợp đó đều mang những tư tưởng tủi thân, buồn bã, chán nản. Nếu như cán bộ không có cách chia sẻ, động viên hợp lý những can phạm nhân này dễ bị kích động và có thể gây ra hậu quả khó lường.
Tết về lòng càng cô đơn
Vào Trại tạm giam Kim Chi những ngày này, thấy không khí Tết bao trùm ở khắp mọi nơi: trên hội trường, trong buồng giam và nhất là trên nét mặt của từng can phạm nhân, ai nấy đều hồ hởi vì được nhận quà tết do trại phát cho, được gặp mặt người thân, được người thân gửi bưu phẩm, đồ tiếp tế để ăn Tết… Nhưng giữa những nụ cười ấm áp, vẫn có những hoàn cảnh éo le đón Tết mà lòng nặng trĩu sự cô đơn khi bị người thân xa lánh, hắt hủi, bỏ mặc…
Nằm trong danh sách những trường hợp “đặc biệt” của Trại tạm giam Kim Chi, Phạm Ngọc Sơn (SN 1978, quê huyện An Lão, TP. Hải Phòng) gây ấn tượng mạnh với người đối diện bởi dáng vẻ thấp bé, gầy gò với một đôi mắt sâu, ẩn khuất điều gì đó đầy sự u buồn.
Bị can Vũ Mạnh Cường |
Trò chuyện với Sơn được biết, Sơn phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy và vào trại từ ngày 3/1/2019. Trước đó, cũng vì ma túy Sơn đã phải vào Trại tạm giam Kim Chi 2 lần. Nếu hai lần trước Sơn phạm tội do chơi bời, học theo đám bạn xấu, thì lần phạm tội này, lại xuất phát từ những chuyện buồn của chính gia đình Sơn.
Vẻ mặt buồn bã, Sơn tâm sự, bố mẹ bỏ nhau từ lúc Sơn còn nhỏ. Chị gái đi theo bố, Sơn ở với mẹ. Sau đó, mẹ lấy chồng Trung Quốc, Sơn quay về “cầu cứu” bố và chị gái. Nhưng bố lấy vợ hai, không đoái hoài tới Sơn. 12 tuổi, Sơn lâm cảnh bơ vơ, không người chăm sóc và thành một đứa trẻ bụi đời. Anh ta sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay rồi lâm vòng lao lý chỉ vì ma túy.
Sau khi được ra tù, Sơn còn bị chị gái quay trở về đòi chiếm hết đất ở quê đồng thời, không cho Sơn biết địa chỉ của mẹ để liên lạc. Chưa hết, người chị này còn ép Sơn cưới một cô gái nghiện ngập về làm vợ. Sống với nhau được hơn năm, năm 2012, vợ chồng Sơn bỏ nhau và không có con cái. Chán đời, Sơn tìm đến bia rượu và say xỉn suốt ngày. Cuối cùng cũng vì ma túy, Sơn phạm tội lần ba.
Sơn cho biết, cả 03 lần vào trại tạm giam, chưa một lần nào anh ta được người thân tới thăm nom, tiếp tế. Nhìn những người khác có người tới thăm, động viên, chia sẻ, Sơn buồn bã, tủi cho phận mình. Nhưng trong thâm tâm Sơn cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi hàng ngày, anh ta vẫn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ các cán bộ, giám thị của trại tạm giam. “Tôi cảm ơn các cán bộ đã giúp tôi ý thức được về những tội lỗi của mình, giúp tôi được hoàn lương và có niềm tin vào cuộc sống này hơn. Họ còn tốt hơn cả người thân của tôi”, Sơn chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hiện – Giám thị Trại tạm giam Kim Chi |
Khi hỏi về dự định sau này, trầm tư một lúc, Sơn thở dài nói: “vào trại mấy lần, tôi đã học được nghề may và nghề sửa chữa giầy dép. Nên sau khi ra trại, tôi sẽ quyết tâm hoàn lương để làm một người tử tế, có ích cho xã hội. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đi tìm người thân của mình bởi chính họ đã ruồng bỏ tôi. Và tôi cũng không dám hi vọng có thể lấy được một người vợ cho mình nên sau này sẽ cố gắng mở một cửa hàng sửa chữa giầy dép nhỏ nhỏ để kiếm cơm qua ngày”.
Không bị người thân bỏ mặc như Phạm Ngọc Sơn, nhưng Vũ Mạnh Cường (SN 1968, trú tại phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương) cũng thuộc diện “đặc biệt” của Trại tạm giam Kim Chi khi ở tuổi 51, ông Cường phải vào trại vì tội trộm cắp tài sản (trước từng có 02 tiền án về ma túy). Đây là lần thứ ba ông Cường phạm tội nhưng lần này sức khỏe của ông đã suy giảm nhiều khi thường xuyên mắc các bệnh như huyết áp cao, lãng tai, đau xương khớp… Ốm yếu, bệnh tật đầy mình, các cán bộ thường xuyên phải đưa ông Cường đến bệnh viện thăm khám, điều trị.
Chia sẻ nguyên nhân phạm tội lần này, ông Cường trải lòng: “Cuộc đời tôi có lỗi với gia đình rất nhiều. Nếu cách đây 8 năm, tôi lầm lỡ sa chân vào con đường ma túy, nghiện ngập khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, thì nay trong lúc khó khăn chồng chất lại nghe bạn bè xấu rủ rê, tôi đã đi trộm cắp tài sản của người ta để về tiêu xài. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ vào đây, nghĩ tới vợ con, tôi vô cùng ân hận. Chỉ thương con gái, vì gia đình khó khăn, bố đi tù mà học xong cấp ba, cháu không được học tiếp lên Đại học. Tôi thấy xấu hổ và có lỗi với con rất nhiều”. Nói tới đây, đôi mắt người đàn ông này bỗng hoe hoe đỏ.
Bằng một giọng nói đầy biết ơn, ông Cường bảo, hoàn cảnh khó khăn, không được gia đình tiếp tế nhiều, nếu như không được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ từ các cán bộ của trại tạm giam, ông không biết phải chống chọi, điều trị bệnh tật như thế nào. Bởi vậy, mong muốn duy nhất của người đàn ông này là sau khi ra tù, sẽ cố gắng sống tốt, sống có ích để bù đắp cho vợ con và không phụ sự kỳ vọng của các cán bộ.
Về đến nhà thì Tết cũng hết
Ở đây, không chỉ những can phạm nhân phải ăn Tết trong trại tạm giam mà còn có những con người phải tạm gác niềm vui đoàn tụ cùng gia đình trong giờ khắc thiêng liêng nhất của năm mới để thực hiện nhiệm vụ, đó là cán bộ quản giáo tại trại tạm giam. Họ phải hi sinh hạnh phúc riêng, bổn phận với gia đình để thực thi nhiệm vụ quản lý phạm nhân, không để xảy ra sự cố hoặc tình trạng trốn trại. Vì thế, với những cán bộ quản giáo nơi đây, chuyện thường xuyên phải đón Tết trong trại cùng các can phạm nhân đã trở lên quá quen thuộc.
Là người có nhiều năm “được” đón Tết trong trại, Trung tá Bùi Việt Yên (SN 1967, quê huyện Bình Giang, Hải Dương) Đội trưởng đội quản giáo giam giữ Trại tạm giam Kim Chi cho biết, từ ngày nhận nhiệm vụ, về công tác tại Trại tạm giam Kim Chi, dù nhà cách trại không xa nhưng hơn 30 năm qua, chưa một lần nào anh về đón Tết trọn vẹn bên gia đình, vợ con. Hầu như, ngày nào cũng 24/24 giờ, người cán bộ này ở trong trại.
Anh Yên dí dỏm: “ở đây, không riêng tôi mà đa phần anh em cán bộ đều ăn Tết trong trại cùng các phạm nhân. Vợ con ban đầu cũng phàn nàn, ý kiến lắm nhưng sau hiểu được tính chất công việc của chúng tôi nên càng thương anh em tôi nhiều hơn. Các bà còn không ít lần tay nách xách mang cả đồ tiếp tế để cho anh em đón Tết, thậm chí còn ở lại vài ngày ăn Tết nữa cơ. Vui và hạnh phúc lắm”.
Bởi vậy, cũng vì quá thương, quá cảm phục công việc của các anh mà rất nhiều con em cán bộ ở đây đã tiếp nối con đường quản giáo trại giam của họ. Hiện người con trai lớn của anh Yên cũng đang công tác tại Trại tạm giam Kim Chi.
Trung tá Bùi Việt Yên, Đội trưởng đội quản giáo giam giữ Trại tạm giam Kim Chi |
Cũng trong số cán bộ được đón Tết trong trại phải tính “hàng chục” năm, Trung tá Dương Văn Long tâm sự, chính nhờ có “thâm niên” ăn Tết trong trại mà dường như các anh có thể nắm bắt, thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm của các can phạm nhân trong này.
“Họ đều có những số phận, hoàn cảnh, nỗi niềm riêng. Cả năm gặp gỡ, chia sẻ, động viên, giáo dục họ mỗi ngày như đã thành thói quen. Những ngày lễ, ngày Tết các quản giáo lại càng tất bật hơn, hầu như chẳng lúc nào được nghỉ ngơi bởi tâm lý của các can phạm ngày này thường không ổn định, dễ xúc động. Nên đến khi chúng tôi được trở về nhà cũng là lúc không khí Tết đã qua rồi. Biết vợ con buồn lắm nhưng đành chấp nhận thôi. Tất cả đều vì nhiệm vụ”, anh Long trầm ngâm nói.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Nguyễn Mạnh Hiện, Giám thị Trại tạm giam Kim Chi cho biết, ngày Tết là thời gian mà những người phạm tội dễ sinh tiêu cực, xúc động, xao xuyến nhất. Tâm trạng ai cũng day dứt, nhớ nhà nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt là những người mang án tử hình, tư tưởng của họ luôn trong trạng thái không ổn định, thường xuyên hoang mang, hoảng loạn, chống đối lại người xung quanh.
Bởi vậy, năm nào cũng thế, để ổn định tâm lý cho các can phạm nhân, Ban giám thị Trại tạm giam lại chia nhau đi từng phòng giam để chúc Tết, động viên, giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi và không suy nghĩ những điều tiêu cực. Ngoài tiêu chuẩn được Nhà nước quan tâm, từ năm 2017 đến nay, họ còn nhận được những phần quà rất ý nghĩa từ các nhà hảo tâm do chính Trung tá Hiện và nhiều cán bộ khác kêu gọi, vận động được. Trong dịp Tết này, các anh cũng đã kêu gọi, trao tặng được 200 xuất quà cho những can phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ý thức cải tạo tốt.
Theo lời Trung tá Hiện, do đặc thù công tác của Trại tạm giam là công việc nặng nề nhưng đơn điệu, luôn là điểm nóng, là “lò lửa” với số can phạm nhân trung bình từ 650 – 700 người nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trốn trại, tự sát… vì thế cán bộ ở đây luôn có nhiều áp lực, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, bất kể đêm hôm, mưa rét, tính chất công việc nhiều rủi ro. Nhưng với những người đã có “thâm niên” ăn Tết trong trại thì dường như những khó khăn, vất vả hay cảm giác nhớ nhà, xao xuyến sẽ vội qua đi vì họ đã quá quen với nó, chỉ với những chiến sĩ lần đầu ăn cái Tết đặc biệt này, cảm xúc trong họ mới trở lên bỡ ngỡ, xốn xang. Thậm chí, có những người không tránh khỏi cảm giác mủi lòng, nhớ nhung da diết, nhưng cũng có những người cảm thấy mạnh mẽ, cứng rắn, trưởng thành và ngày càng yêu thương, gắn bó với nghề quản giáo hơn.
Để có thể mang lại một môi trường cải tạo, giáo dục tốt cho các phạm nhân, can phạm, lãnh đạo Trại tạm giam Kim Chi cũng mong muốn Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương sẽ ngày càng quan tâm, tạo điều kiện trang cấp bổ sung các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, bảo hộ, chiến đấu cho các cán bộ đang công tác tại đây. Đồng thời, có thể cho sữa chữa, nâng cấp các buồng giam, khu giam, khắc phục tình trạng buồng giam hư hỏng, xuống cấp như hiện nay…
Một mùa Xuân mới lại về, với những cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Trại tạm giam Kim Chi lại có thêm những thách thức mới, song các anh, các chị nơi đây vẫn ngày ngày nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khơi dậy lòng hướng thiện của người phạm tội để họ hoàn lương, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.